Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong toả để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh đã khiến các nhà máy tại nhiều nơi ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp không thể bổ sung hàng tồn trữ, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trên quy mô toàn cầu.
Khi các doanh nghiệp trên thế giới đang dần rút ra bài học từ sự đổ vỡ chuỗi cung ứng chưa từng có trong lịch sử nhằm chuẩn bị tốt hơn cho các cú sốc tương tự trong tương lai, việc rời bỏ Trung Quốc, công xưởng của thế giới, vĩnh viễn có lẽ không phải điều mà nhiều doanh nghiệp sẽ cân nhắc.
Ông Morris Cohen, giáo sư giảng dạy tại trường kinh doanh The Wharton School, Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ), cho biết “Tôi không cho rằng vai trò của của Trung Quốc như là một trung tâm sản xuất toàn cầu sẽ bị loại bỏ. Trung Quốc sẽ vẫn là trung tâm sản xuất, có thể ở mức độ thấp hơn và với ít ngành công nghiệp hơn. Sẽ có một số thay đổi nhưng về tổng thể chung, vai trò của Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại”.
Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong hơn 20 năm trở lại đây khi các doanh nghiệp phương Tây chuyển dịch các hoạt động chính sang đây để giảm thiểu chi phí và thâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới. Hiện nay, GDP của Trung Quốc đã chiếm đến gần 20% tổng GDP toàn cầu nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu được thể hiện rõ ràng ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Hồ Bắc – một trung tâm sản xuất công nghiệp chính của Trung Quốc vào cuối tháng 1/2020; tại thời điểm này, đại dịch chưa lan rộng ra các nước trên thế giới. Khi Trung Quốc tiến hành phong toả hoàn toàn các khu vực nhiễm bệnh, ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã bị ảnh hưởng nặng. Thậm chí, một số tập đoàn công nghiệp lớn như Fiat Chrysler (liên doanh Italy – Hoa Kỳ) và Huyndai (Hàn Quốc) đã buộc phải ngưng sản xuất do thiếu hụt nguồn cung các bộ phận từ Trung Quốc.
Chiến lược “Trung Quốc + 1”
Sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng toàn cầu lần này được dự báo sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đa dạng hoá nguồn cung từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận như Việt Nam, Malaysia và Philippines cũng như nâng cao tỷ lệ nội địa hoá chuỗi cung ứng của họ để giảm thiểu rủi ro.
Trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc chủ yếu do chi phí lao động tại nước này tăng. Việc rời bỏ Trung Quốc lên đến đỉnh điểm khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng phát vào giai đoạn 2018 – 2019 khi các doanh nghiệp tìm cách tránh các khoản thuế quan và sự gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Knut Alicke, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại công ty tư vấn McKinsey, cho biết “Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, rất nhiều các doanh nghiệp đổ xô tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ bên ngoài Trung Quốc. Một số đã tìm kiếm thành công những cũng có những doanh nghiệp không thể làm được điều này trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Những doanh nghiệp đã tìm được nguồn cung thay thế thì sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn cung này trong tương lai”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng ý rằng ngay cả khi các doanh nghiệp đã thiết lập hoạt động hoặc tìm kiếm được nhà cung cấp ở các quốc gia khác, họ sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại Trung Quốc theo chiến lược “Trung Quốc + 1” nhằm tiếp cận thị trường nội địa rộng lớn của nước này. Bên cạnh đó, các quốc gia khác chưa chắc có khả năng có nguồn lao đồng lành nghề, cơ sở hạ tầng phát triển và nguồn nguyên liệu thô đủ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp thay thế Trung Quốc.
Theo một khảo sát hồi tháng 3/2020 do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc (AmCham Trung Quốc), 70% các doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa có kế hoạch di dời các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng hoặc tìm nguồn cung bên ngoài Trung Quốc vì đại dịch Covid-19.
Ông Alan Beebe, Chủ tịch AmCham Trung Quốc, cho biết “Trái ngược với một số câu chuyện đang được nghe trên toàn cầu, dữ liệu cho thấy rằng phần lớn các thành viên của chúng tôi sẽ không ngưng hoạt động và rời khỏi Trung Quốc sớm. Đáng lưu ý, Trung Quốc hiện đã bắt đầu khởi động lại nền kinh tế sau thời gian dài phong toả trong khi các quốc gia khác trên thế giới vẫn đang bị ngưng trệ kinh tế vì dịch bệnh, và có nhiều lý do cho thấy việc coi Trung Quốc là điểm đến số 1 của các doanh nghiệp vẫn còn đúng cho đến ngày hôm nay”.
Ngành công nghiệp dược phẩm
Tuy nhiên, có ít nhất một ngành công nghiệp mà mọi thứ sẽ thay đổi sau đại dịch Covid-19 đó là ngành dược phẩm. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự thật các doanh nghiệp và chính phủ trên toàn cầu đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các loại thuốc và thiết bị y tế quan trọng như khẩu trang và máy thở.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu. Trung Quốc cung ứng khoảng 80% - 90% các loại hoạt chất dùng cho sản xuất kháng sinh trên toàn cầu; trong khi đó, Ấn Độ đứng đầu thế giới trong việc sản xuất các loại thuốc gốc (generic).
Ông Yanzhong Huang, chuyên gia sức khoẻ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại – một đơn vị tư vấn tại Hoa Kỳ, cho biết 90% nguồn cung các loại kháng sinh, vitamin C, ibuprofen và hydrocortisone tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây là đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Mặc dù sự gián đoạn nguồn cung thuốc hiện nay do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 chưa gây ra tình trạng thiếu hụt thuốc nghiêm trọng, chủ yếu do các doanh nghiệp đã duy trì lượng hàng tồn kho đủ đáp ứng thị trường trong vòng 8 – 10 tháng, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung dược phẩm từ Trung Quốc và Ấn Độ bằng cách chuyển các dây chuyền sản xuất sang Hoa Kỳ và Châu Âu.
Giáo sư Morris Cohen cho biết “Chúng ta đã không nhận thức đầy đủ các rủi ro khi chỉ có duy nhất một nguồn cung và nguồn cung đó bị gián đoạn khiến rắc rối lớn bùng phát, do đó nên có nhiều nguồn cung. Tôi cho rằng các doanh nghiệp dược phẩm sẽ phản ứng nhanh chóng vì các rủi ro và hậu quả của sự gián đoán sẽ rất lớn, việc di chuyển sản xuất (đối với dược phẩm) cũng không quá phức tạp. Có thể việc di chuyển sản xuất sẽ đắt đỏ hơn nhưng nó không giống như phải di chuyển cả một nhà máy sản xuất thép hoặc nhà máy sản xuất ô tô”.
Sự chần chừ kéo dài
Các chuyên gia về chuỗi cung ứng cho biết sự bùng phát của đại dịch Covid-19 có thể thúc đẩy các doanh nghiệp tìm cách nâng cao tính linh hoạt của chuỗi cung ứng như tăng lượng hàng tồn kho, tìm các nhà cung cấp thay thế, nhất là các nhà cung cấp có vị trí địa lý gần và sử dụng các dữ liệu và công nghệ nhằm theo dõi tốt hơn từ các nhà cung ứng kém quan trọng đến các khách hàng nhỏ.
Các nhận định tương tự cũng được đưa ra sau các sự kiện gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu trước đây như đợt sóng thần tại Nhật Bản hồi năm 2011 dẫn đến sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, sự bùng phát của dịch SARS hồi năm 2002 – 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008 – 2009. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không nhiều doanh nghiệp bận tâm tìm cách giải thiểu các rủi ro. Hầu hết các doanh nghiệp vốn luôn tìm cách giảm thiểu chi phí lại bị cản trở bởi các chi phí đầu tư đáng kể khi tính tới việc nâng cao tính linh hoạt của chuỗi cung ứng.
Chuyên gia về chuỗi cung ứng Knut Alicke cho biết “Trong thời gian qua, bất cứ khi nào có khủng hoảng xảy ra, mọi người sẽ bắt đầu nghĩ, chúng ta cần thiết lập như nào để hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục, chúng ta cần các biện pháp quản lý rủi ro chuỗi cung ứng. Sáu tháng sau khi khủng hoảng đi qua, những cuộc thảo luận về các vấn đề trên cũng kết thúc theo”.
Tuy nhiên, ông Knut Alicke cũng cho biết mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra lần này cuối cùng có thể buộc các doanh nghiệp phải hành động.
“Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, cuộc khủng hoảng lần này nghiêm trọng hơn nhiều và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn (so với các cuộc khủng hoảng khác”. Các chuỗi cung ứng ngày này có mức độ phụ thuộc chặt chẽ cao hơn. Chín năm trước đây khi cuộc khủng hoảng Fukushima xảy ra, vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng thấp hơn so với hiện nay. Bên cạnh đó, giới đầu tư đang ngày càng gây áp lực để buộc các doanh nghiệp mà họ đầu tư vào có thể đảm bảo chuỗi cung ứng được duy trì trước các cuộc khủng hoảng”, ông Knut Alicke nhận định.