Giá dầu thô đã trải qua tuần giao dịch đầy biến động khi chịu áp lực giảm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tuần nhưng sau đó phục hồi trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần. Chốt phiên giao dịch thứ Sáu (ngày 21/5), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 tăng 2,7% lên 112,55 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao 6/2022 cũng tăng 2,4% lên 112,21 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent giảm 1,47% và giá dầu thô WTI đã giảm 1,7%.
Ông Andrew Lipow, chủ tịch hãng tư vấn thị trường dầu mỏ Lipow Oil Associates (Hoa Kỳ), cho biết “Thị trường đang biến động rất mạnh, phản ứng với mọi loại thông tin và diễn biến giá dầu thô theo ngày đang ngày càng có mức chênh lệch cao hơn”.
Đà phục hồi của giá dầu thô chủ yếu nhờ kỳ vọng Trung Quốc đang dần kiểm soát hiệu quả làn sóng lây nhiễm Covid-19 và các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước này sẽ sớm được tái triển khai trở lại, giúp cải thiện triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong thời gian tới.
Kể từ ngày 19/5, Thượng Hải, trung tâm kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, đã cho phép người dân ra ngoài mua sắm và chuẩn bị nối lại hoạt động của nhiều tuyến tàu điện ngầm kể từ ngày 22/5 tới đây. Thượng Hải cũng đang đặt ra nhiều phương án để kết thúc phong toả tại các khu vực trên toàn thành phố một cách toàn diện hơn.
Giá dầu thô cũng được nâng đỡ nhờ sự suy yếu của đồng USD so với các đồng tiền chính khác trên thế giới. Điều này giúp các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, đà phục hồi của giá dầu thô trong phiên giao dịch cuối tuần vẫn bị kìm giữ bởi tâm lý lo lắng về khả năng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô khi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay được nhận định sẽ ở mức thấp hơn so với các dự báo trước đây. Liên Hiệp Quốc dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ đạt 3,1%, thấp hơn đáng kể so với mức 4% được dự báo trước đây.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của các khu vực kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, và Trung Quốc đều được Liên Hiệp Quốc điều chỉnh giảm mạnh. Thậm chí, ngày càng nhiều tổ chức kinh tế lớn cảnh báo Hoa Kỳ có thể rơi vào một đợt suy thoái mới khi nước này đối mặt với lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đang mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ.
Ông Bill Farren-Price, trưởng bộ phận thị trường dầu mỏ và khí đốt tại hãng tư vấn Enverus (Hoa Kỳ), cho biết “Giá dầu thô Brent có vẻ đã được neo trên ngưỡng 100 USD/thùng nhưng tôi cho rằng rủi ro suy thoái và những lo ngại về triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc đã và sẽ hạn chế đà tăng của giá dầu thô”.
Trong khi đó, thị trường tiếp tục quan sát chặt chẽ khả năng EU sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga. Hãng tin Reuters cho biết các ngoại trưởng của EU hiện vẫn chưa thuyết phục được Hungary đồng ý với biện pháp cấm vận trên. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết tổng chi phí để Hungary từ bỏ nguồn cung năng lượng lên tới 19 tỷ EUR và đây là gánh nặng tài chính đối với nước này. EU hiện đang đề xuất một gói tài chính hỗ trợ cho Hungary để nước này giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.