Chốt phiên giao dịch ngày 26/3, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã giảm 1,89 USD/thùng tương ứng 7,7% xuống còn 22,6 USD/thùng; giá dầu thô Brent cũng giảm 1,05 USD/thùng tương ứng 3,8% xuống mức 26,34 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã giảm hơn 60%.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm chủ yếu do giới đầu tư trở nên bi quan trước các thông tin cho thấy số ca nhiễm bệnh mới của đại dịch virus Covid-19 tăng cao cùng với đó là ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu sụt giảm.
Tâm lý bi quan đã vượt qua các kỳ vọng trước đó về việc Hoa Kỳ tung ra gói cứu trợ kinh tế khổng lồ 2.200 tỷ USD có thể giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, qua đó nâng cao nhu cầu sử dụng dầu thô.
Hiện gói cứu trợ kinh tế của Hoa Kỳ đã được Thượng viện nước này thông qua và đang được Hạ viện xem xét, dự kiến Hạ viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu về gói cựu trợ này trong ngày ngày 28/3, (theo giờ Việt Nam).
Đây là gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ nhằm giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.
Giới phân tích nhận định thông tin Thượng viện Hoa Kỳ thông qua gói cứu trợ kinh tế chỉ giúp giải toả phần nào căng thẳng của giới đầu tư. Thậm chí, ông Gary Ross, người sáng lập hãng đầu tư năng lượng BlackGold Investors, nhận định giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm xuống.
Giá dầu thô WTI của Hoa Kỳ sụt giảm mạnh hơn giá dầu thô Brent khu vực Châu Âu do gói cứu trợ kinh tế 2.200 tỷ USD của Hoa Kỳ không bao gồm các khoản chi mua dự trữ dầu thô.
Trước đó, thị trường kỳ vọng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ gia tăng thu mua dầu thô từ các nhà khai thác dầu thô nước này cho Quỹ dự trữ dầu thô chiến lược nhằm hỗ trợ ngành khai thác dầu thô của Hoa Kỳ.
Việc giá dầu thô xuống thấp đang buộc nhiều doanh nghiệp khai thác dầu thô Hoa Kỳ, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến, đứng trước nguy cơ phá sản hoặc phải sát nhập.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu có thể giảm đến 20 triệu thùng/ngày tương ứng với 20% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô hàng ngày hiện nay trong bối cảnh khoảng 3 tỷ người dân trên thế giới chịu ảnh hưởng từ các biện pháp phong toả và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ông John Kilduff, giám đốc tại hãng tư vấn đầu tư Again Capital, nhận định “Nhu cầu sử dụng dầu thô hàng ngày trên toàn cầu giảm 20% hoặc hơn tương đương hai lần công suất khai thác dầu thô của Ả-rập Xê-út”.
Thị trường dầu thô hiện đang đối mặt vừa đối mặt với cú sốc cung vừa đối mặt với cú sốc cầu.
Về phía nguồn cung, các nước khai thác dầu thô thuộc khối OPEC cũng như các nước khai thác dầu thô ngoài khối OPEC như Nga đang sẵn sàng cho việc gia tăng công suất khai thác kể từ ngày 1/4/2020 – thời điểm thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác giữa khối OPEC và các nước khai thác dầu thô đồng minh chấm dứt.
Dự kiến Ả-rập Xê-út sẽ gia tăng lượng xuất khẩu dầu thô trong tháng 5/2020 lên mức hơn 10 triệu thùng/ngày.