Vào lúc 4h35 sáng nay (ngày 1/6, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 7/2020 đã đạt 35,25 USD/thùng, giảm 24 cents so với phiên giao dịch trước đó. Giá dầu thô Brent giao tháng 8/2020 đã giảm 16 cents xuống còn 37,68 USD/thùng.
Chốt phiên giao ngày cuối tuần trước (Thứ sáu, ngày 28/5), giá dầu thô WTI giao tháng 7/2020 đã bật tăng mạnh 5,3% tương ứng 1,78 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 8/2020 cũng tăng 5% tương ứng 1,81 USD/thùng.
Trong tháng 5/2020, giá dầu thô WTI và Brent đều đã bật tăng mạnh trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu thô trên toàn cầu sụt giảm mạnh và kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng trở lại khi ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19, tái khởi động nền kinh tế.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong đầu phiên giao dịch sáng nay chủ yếu do giới đầu tư lo ngại tình trạng bạo động leo thang tại một số thành phố chính của Hoa Kỳ có thể làm suy giảm triển vọng sử dụng dầu thô tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các thành phố đã phải áp dụng lệnh giới nghiêm và các biện pháp an ninh khác để ngăn chặn bạo lực. Một số hoạt động kinh tế như bán lẻ vừa mới được khôi phủ trở lại sau khi hết thời gian phong toả phòng chống đại dịch Covid-19 nay lại phải ngưng hoạt động trở lại vì tình trạng bạo lực.
Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn được nâng đỡ bởi kỳ vọng liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh sẽ đẩy nhanh thời gian nhóm họp trong tháng 6 này.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng chứng khoán Price Futures (Chicago, Hoa Kỳ), cho biết các thông tin chưa chính thức về việc liên minh OPEC+ có thể gia tăng mức cắt giảm sản lượng khai thác và tiến hành nhóm họp sớm hơn dự kiến đã hỗ trợ tích cực lên giá dầu thô.
Algeria, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch của khối OPEC, đã đề xuất liên minh OPEC+ tiến hành nhóm họp sớm vào ngày 4/6 tới đây thay vì vào ngày 9 – 10/6 như dự kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán dầu thô của các quốc gia như Ả-rập Xê-út, Iraq và Kuwait.
Thông thường, các quốc gia Ả-rập Xê-út, Iraq và Kuwait – những nước khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC, sẽ tiến hành phân bổ dầu thô cho các đối tác mua hàng truyền thống dựa trên nhu cầu vào khoảng ngày 10 hàng tháng.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết Nga, quốc gia dẫn đầu khối các nước khai thác dầu thô đồng minh của OPEC, không phản đối đề xuất trên. Kể từ ngày 1/5, liên minh OPEC+ đã chính thức thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng cao kỷ lục, giảm 9,7 triệu thùng/ngày tương đương gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu nhằm hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh nhu cầu sử dụng toàn cầu suy giảm nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19.