Trong ngày 27/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo đã tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng Hồng Kông (Trung Quốc) không còn đáp ứng đủ điều kiện để được đảm bảo hưởng các quy chế đặc biệt về thương mại và tài chính của Hoa Kỳ trong bối cảnh Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu Hồng Kông. Đồng thời, Hạ viện Hoa Kỳ cũng thông qua dự luật về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc, mở đường cho việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc.
Không dừng ở đây, Hoa Kỳ được cho là đang tiếp tục chuẩn bị những biện pháp trừng phạt mới nhắm đến tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei, các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và các ngân hàng có quan hệ với những quan chức Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho rằng có can thiệp vào vấn đề Hồng Kông. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump được cho là có nhiều lựa chọn chính sách từ việc trừng phạt các quan chức và các doanh nghiệp Trung Quốc cho đến việc chấm dứt quy chế ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông. Các kịch bản trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đều dẫn đến những tác động khổng lồ trên nhiều phương diện.
Đối với thị trường tài chính
Chốt phiên giao dịch ngày 28/5, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đồng loạt giảm điểm, xoá bỏ các mức tăng xác lập trước đó sau khi ông Donald Trump cho biết sẽ tổ chức họp báo về vấn đề Trung Quốc. Trước đó, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã đạt đỉnh cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020 khi giới đầu tư tỏ ra lạc quan về đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hàng loạt gói kích thích kinh tế chưa từng có được tung ra và ngày càng nhiều nước nới lỏng các biện pháp phong toả.
Tỷ giá của đồng Nhân dân tệ ngoài lãnh thổ Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong khi đó thị trường chứng khoán Hồng Kông với quy mô lên tới 4.900 tỷ USD đang ở mức rẻ nhất so với thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998. Cổ phiếu của tập đoàn Apple của Hoa Kỳ vốn phụ thuộc lớn vào người tiêu dùng và các nhà máy tại Trung Quốc đã tụt lại so với chỉ số S&P 500 trong vài tuần gần đây.
Ông Li Changmin, giám đốc điều hành hãng tư vấn đầu tư Snowball Wealth (Quảng Châu, Trung Quốc), nhận định điều đáng lo ngại nhất là căng thăng giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc đã trở thành một cuộc chiến tranh tài chính toàn diện, bao gồm phá giá tiền tệ, ngăn chặn tiếp cận vốn và cấm niêm yết.
Trong khi đó, ông Cliff Zhao, chuyên gia của hãng chứng khoán CCB International Securities (Hồng Kông, Trung Quốc), dự đoán chỉ số Hang Seng Index của thị trường chứng khoán Hồng Kông có thể giảm hơn 10%, xuống thấp nhất 4 năm trong những tháng tới nếu căng thẳng giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, gia tăng. Mặc dù đồng đô la Hồng Kông hiện đang ở mức khá cao, giới đầu tư đang đặt cược nhiều hơn vào việc đồng tiền này sẽ giảm mạnh.
Đối với nền kinh tế
Việc Hoa Kỳ - Trung Quốc gia tăng các biện pháp ăn miếng trả miếng sẽ không chỉ đe doạ thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vốn đang rất mong manh giữa hai quốc gia mà còn đe doạ đến đà phục hồi kinh tế mới manh nha của nền kinh tế toàn cầu sau quãng thời gian suy giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng.
Nếu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục theo đuổi những chính sách quyết liệt, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đều phải trả cái giá khá đắt. Hồng Kông đóng vai trò là trạm chung chuyển quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu lên tới 39 tỷ USD sang Hoa Kỳ trong năm 2019. Số liệu chính thức cho thấy, Hồng Kông là nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ với mức 31,1 tỷ USD trong năm 2018.Có khoảng 290 doanh nghiệp Hoa Kỳ đặt trụ sở khu vực Châu Á tại Hồng Kông và 434 doanh nghiệp khác đặt văn phòng khu vực tại đây.
Trung Quốc vẫn đang phải dựa vào Hồng Kông như là cửa ngõ chính để hội nhập kinh tế quốc tế. Khoảng 53% trong số 1.180 tỷ USD vốn đầu tư phi tài chính đổ vào Trung Quốc năm 2018 là đi qua cửa ngõ Hồng Kông, và các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 7% tài sản ở Hồng Kông. Hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc đại lục tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, bao gồm các tập đoàn lớn nhất Trung Quốc như
Alibaba và PetroChina. Kể từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục đã huy động được hơn 100 tỷ USD từ các đợt phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Hai tập đoàn JD.com và NetEase cũng đang chuẩn bị cho các đợt IPO thứ cấp quy mô lớn sẽ diễn ra trong tháng 6 tới đây tại Hồng Kông.
Việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp mới với Hồng Kông chắc chắn sẽ kích hoạt một làn sóng rút vốn khỏi Hồng Kông và các doanh nghiệp cũng sẽ cân nhắc việc duy trì trụ sở khu vực tại đây hay không.
Đối với ngành ngân hàng
Gần như toàn bộ các ngân hàng và quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới đều có mặt tại Hồng Kông nhưng họ ngày càng chú ý nhiều hơn đến thị trường Trung Quốc đại lục đầy tiềm năng.
Mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẽ quay lưng lại với các cam kết mở cửa thị trường tài chính trong nước, các doanh nghiệp đối mặt với rủi ro ngày càng cao khi quan hệ giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp tục xấu đi.
Các ngân hàng ở phố Wall, Hoa Kỳ sẽ phải tính toán kỹ việc tham gia thị trường tài chính Trung Quốc. Tập đoàn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính đến năm 2026 riêng ngành môi giới chứng khoán ở Trung Quốc đại lục sẽ tạo ra 47 tỷ USD lợi nhuận, và các công ty chứng khoán nước ngoài đang tìm cách có được phần nhỏ của chiếc bánh đầy hấp dẫn này.
Các quỹ đầu tư như BlackRock và Vanguard cũng tham gia thị trường Trung Quốc nơi mà công ty tư vấn Oliver Wyman dự báo trong vài năm tới sẽ có tổng tài sản được quản lý lên tới 30.000 tỷ USD.
Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu để Hoa Kỳ tấn công. Đã có 2 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đề xuất đưa các doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách thực thể không đáng tin cậy vì có liên quan đến Luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc vừa thông qua cũng như trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc có giao dịch với các doanh nghiệp này. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các ngân hàng Trung Quốc có thể bị loại khỏi hệ thống thanh toán bằng USD.
Đối với các doanh nghiệp
Khi Hoa Kỳ thông báo những biện pháp kiểm soát chặt hơn đối với tập đoàn Trung Quốc Huawei trong việc tiếp cận chip điện tử hồi đầu tháng này, tờ Thời báo hoàn cầu của Trung Quốc đã cho biết Trung Quốc sẽ đáp trả bằng việc đưa các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào danh sách thực thể không đáng tin cây – danh sách vốn được Trung Quốc cảnh báo khi chiến tranh thương mại giữa hai nước lên đến cao trào trong năm ngoái.
Mặc dù phía Trung Quốc chưa đưa ra chính thức tên các doanh nghiệp Hoa Kỳ bị liệt vào danh sách này nhưng tờ Thời báo hoàn cầu cho biết các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ như Apple và Qualcomm có thể trở thành mục tiêu. Bên cạnh đó các tập đoàn như Boeing và Tesala cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng lên. Trong năm 2019, Boeing thu về 5,7 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc; trong khi đó, Tesla hiện là hãng ô tô lớn nhất của Hoa Kỳ hoạt động độc lập tại Trung Quốc.
Tại Hồng Kông, các tỷ phú vốn được cho rằng ủng hộ Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng và không thể tiếp cận với những tài sản đang có giá rẻ vì đại dịch Covid-19. Trong tuần này, tỷ phú Hồng Kông Li Ka-shing đánh mất cơ hội xây dựng và vận hành nhà máy khử muối lớn nhất Israel vài ngày sau khi Hoa Kỳ yêu cầu Israel xem xét lại các mối đe dọa an ninh quốc gia từ những công ty Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nếu như Tổng thống Donald Trump yêu cầu hạm chế xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm sang Hồng Kông, các công ty công nghệ cao của đặc khu này sẽ chịu thiệt hại tương đối lớn.
Ông Alvin Cheung, lãnh đạo của hãng môi giới chứng khoán Prudential Brokerage (Hồng Kông, Trung Quốc), nhận định "Quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp nhiều sóng gió trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ và Hồng Kông sẽ bị mắc kẹt ở giữa. Nhà đầu tư nên tự chuẩn bị cho các sóng gió ở phía trước".