Giới phân tích và các nguồn tin trên thị trường cho biết Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cảnh báo các doanh nghiệp điện quốc doanh của nước này không nhập khẩu thêm than nhiệt lượng từ Australia thay vào đó là sử dụng than nội địa. Than nhiệt lượng hiện là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai của Australia sang Trung Quốc.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh căng thăng quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang tăng cao sau khi Australia ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong tuần trước, Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng lúa mạch của Australia với thuế suất lên đến 80,5%. Trung Quốc hiện là khách hàng tiêu thụ lúa mạch lớn nhất của Austrlia, chiếm hơn 50% tổng lượng lúa mạch xuất khẩu của nước này với kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD hàng năm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung ứng thịt lớn nhất Australia. Trong thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc đã liên tục đưa tin cho thấy Trung Quốc có thể trả đũa thương mại đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu giá trị cao của Australia như quặng sắt, than và khí tự nhiên hoá lỏng trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng tăng.
Giới phân tích nhận định các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm nguồn cung than bổ sung từ Indonesia và Nga bên cạnh việc sử dụng nguồn cung than trong nước.
Trong ngày 21/5, Trung Quốc đã ban hành các quy định mới có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2020 về việc quản lý nhập khẩu quặng sắt, theo đó việc kiểm tra hải quan đối với các lô quặng sắt nhập khẩu sẽ được thực hiện theo yêu cầu của người mua hàng thay vì việc kiểm tra bắt buộc như hiện nay. Một số hãng khai thác quặng sắt cho rằng điều này sẽ giúp tăng tốc độ nhập khẩu hàng hoá. Tuy nhiên một số chuyên gia nhận định đây là thông điệp ngầm gửi tới Australia rằng Trung Quốc có thể chỉ nhắm đến các lô quặng sắt xuất phát từ Australia.
Việc siết chặt nhập khẩu than của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2020 đã được giới phân tích dự báo trước đó do Trung Quốc đang muốn hỗ trợ giá than nhiệt lượng trong thị trường nội địa trong bối cảnh giá than đang giảm xuống trước các tác động của việc phong toả phòng chống đại dịch Covid-19 và suy giảm hoạt động công nghiệp.
Chuyên gia Deepak Kannan thuộc hãng phân tích thị trường S&P Global Platts nhận định mặc dù hầu hết các hoạt động tại Trung Quốc đã được tái khởi động nhưng mức giá than nhiệt lượng nội địa của nước này vẫn chưa phục hồi và thấp hơn so với mức giá mục tiêu 500 – 570 Nhân dân tệ/tấn của Chính phủ Trung Quốc.