Chốt phiên giao dịch ngày 3/3, giá dầu thô Brent giảm 4 cents xuống mức 51,86 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng 43 cents lên mức 47,18 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) công bố cắt giảm lãi suất khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ trước các tác động của dịch virus Covid-19, giá dầu thô đã bật tăng mạnh với giá dầu thô Brent đạt 53,90 USD/thùng và dầu thô WTI đạt 48,66 USD/thùng.
Tuy nhiên, đến cuối phiên giao dịch, giá dầu thô đã giảm trở lại do thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ giảm đáng kể vì dịch virus Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát tại nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Nhận định về diễn biến giá dầu thô, ông Bob Yawger, giám đốc bộ phận thị trường năng lương của tập đoàn tài chính ngân hàng Mizuho (chi nhánh New York), cho biết việc FED cắt giảm lãi suất đã hỗ trợ giá dầu thô trong thời gian ngắn nhưng việc FED hành động khẩn cấp cho thấy tình hình kinh tế có thể tệ hơn những gì mà thị trường dự báo, hàm ý nhu cầu sử dụng dầu thô có thể tiếp tục giảm.
FED đã cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, đưa mức lãi suất về 1% - 1,25%. Đây là mức cắt giảm lớn nhất và cũng là lần đầu tiên FED cắt giảm lãi suất khẩn cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm sau khi Liên uỷ ban kỹ thuật (JTG) của khối OPEC và các quốc gia đồng minh khai thác dầu thô như Nga (khối OPEC+) đề xuất chỉ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 600.000 thùng/ngày trong quý 2/2020. Mức đề xuất này tương tự như mức đề xuất đưa ra hồi đầu tháng 2/2020 – thời điểm dịch virus Covid-19 mới chỉ bùng phát chủ yếu tại Trung Quốc và thấp hơn nhiều so với mức đề xuất 1 triệu thùng/ngày mới được Ả-rập Xê-út và một số quốc gia khối OPEC xem xét gần đây.
Trong ngày 3/3, Bộ trưởng Năng lượng Algeria cho biết khối OPEC+ sẽ cân nhắc việc cắt giảm khai thác sản lượng đáng kể nhằm ngăn “đà rơi tự do” của giá dầu thô trước các tác động cảu dịch virus Covid-19. Các quốc gia thành viên khối OPEC+ sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 5 – 6/3 tới đây.
Ông Bob Yawger, khối OPEC+ cần cắt giảm sản lượng khai thác ít nhất 1 triệu thùng/ngày cùng với việc các ngân hàng trung ương đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế thì giá dầu thô mới có thể phục hồi tăng trở lại.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã giảm gần 21% và giá dầu thô WTI giảm gần 23% do lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm mạnh. Theo đánh giá của ông Leonid Fedun, phó chủ tịch tập đoàn năng lượng Lukoil, đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC có thể sẽ giúp giá dầu thô đạt lại mốc 60 USD/thùng. Tập đoàn Lukoil hiện là hãng khai thác dầu khí lớn thứ hai tại Nga.