Chốt phiên giao dịch ngày 2/3, giá dầu thô Brent tăng 2,23 USD tương ứng 4,5% lên mức 51,90 USD/thùng; trong phiên giao dịch, giá dầu thô Brent đã có lúc giảm mạnh còn 48,4 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,99 USD tương ứng 4,5% lên mức 46,75 USD/thùng; trong phiên giao dịch, giá dầu thô WTI đã có lúc giảm còn 43,32 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Đây là phiên giao dịch đầu tiên trong vòng 6 phiên giao dịch gần đây ghi nhận giá dầu thô tăng. Sự bùng phát của dịch virus Covid-19 tại nhiều quốc gia, bao gồm nhiều nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Châu Âu trong thời gian gần đây đã khiến thị trường dầu thô lo ngại các hoạt động kinh tế có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, kéo nhu cầu sử dụng dầu thô giảm xuống.
Tính đến hết ngày 2/3, đã có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự xuất hiện của virus Covid-19 với hơn 90.000 ca nhiễm và hơn 3.100 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch virus Covid-19 lan rộng khiến tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô giảm mạnh, một số quốc gia thuộc khối OPEC đang cân nhắc việc đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm sản lượng khai thác trong quý 2/2020 nhằm ngăn chặn đà “rơi tự do” của giá dầu thô.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã giảm gần 25% do nhu cầu sử dụng dầu thô được dự báo giảm mạnh khi dịch virus Covid-19 khiến hoạt động kinh tế tại nhiều quốc gia bị đình trệ.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết Ả-rập Xê-út, quốc gia các sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC, và một số nước thành viên khối đang cân nhắc phương án cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020. Con số này cao hơn đáng kể so với mức đề xuất cắt giảm 600.000 thùng/ngày được đưa ra hồi đầu tháng 2/2020 – thời điểm dịch virus Covid-19 mới chỉ bùng phát chủ yếu tại Trung Quốc. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này chưa nhận được đề xuất nâng mức cắt giảm sản lượng từ khối OPEC. Nga hiện là một trong những đồng minh chủ chốt của khối OPEC trong việc điều tiết thị trường dầu thô.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của khối OPEC trong tháng 2/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dầu thô từ Libya bị gián đoạn bởi các xung đột quân sự; đồng thời, Ả-rập Xê-út và một số quốc gia khu vực Vùng Vịnh gia tăng cắt giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu thô.
Theo dự báo gần nhất của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong quý 1/2020 có thể sẽ giảm 435.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019; đánh dấu quý đầu tiên ghi nhận nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu giảm kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2009.
Tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu có thể còn giảm thấp hơn nữa trong bối cảnh dịch virus Covid-19 đang bùng phát tại nhiều quốc gia và có thể khiến một số nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Italy rơi vào suy thoái cũng như kéo tụt đà tăng trưởng của Hoa Kỳ và Hàn Quốc.