Sự bùng phát của dịch virus Covid-19 tại hàng loạt quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Hoa Kỳ đã khiến giá dầu thô lao dốc trong phiên giao dịch cuối tuần trước, chạm đáy thấp nhất trong 14 tháng trở lại đây. Thị trường lo ngại sự lan rộng của dịch bệnh trên quy mô toàn cầu có thể khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô.
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô đã phục hồi tăng nhẹ nhờ một số nhà đầu tư tăng mua trở lại trong khi chờ khối OPEC và các quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh như Nga (khối OPEC+) có thể đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu thô.
Lúc 9h00 sáng nay (ngày 2/3, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2020 đã tăng 54 cents tương ứng 1,09% lên mức 50,21 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 4/2020 cũng tăng 37 cents tương ứng 0,83% lên mức 45,13 USD/thùng.
Một số nguồn tin cho biết Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC+, cùng một số quốc gia khác trong khối đang cân nhắc đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác tới 1 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020 nhằm ngăn chặn đà sụt giảm của giá dầu thô.
Vào đầu tháng 2/2020, khi dịch virus Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại Trung Quốc, khối OPEC+ đã cân nhắc phương án cắt giảm sản lượng khai thác 600.000 thùng/ngày nhưng Nga – quốc gia có sản lượng khai thác cao thứ hai trong khối OPEC+ không đồng thuận đề xuất này. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trong giai đoạn từ ngày 20/1 (thời điểm công bố dịch virus Covid-19) đến ngày 28/2 (chốt phiên giao dịch tuần trước), giá dầu thô quốc tế đã giảm khoảng 22%. Trước thời điểm dịch virus Covid-19 bùng phát, khối OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác 1,7 triệu thùng/ngày tương đương 1,7% tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn cầu trong quý 1/2020 để hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu ở mức thấp.
Tuy nhiên với những diễn biến tiêu cực của dịch bệnh, mức cắt giảm hiện nay không đủ tác dụng để ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô. Khối OPEC+ sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào thứ 5 và thứ 6 tuần này để quyết định kế hoạch sản xuất cho quý 2/2020.
Hãng phân tích thị trường S&P Global Platts đã hạ dự báo tăng trưởng sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020 xuống mức tăng 860.000 thùng/ngày – mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Một số chuyên gia phân tích cảnh báo việc cắt giảm sản lượng khai thác của khối OPEC+ sẽ không giúp ích nhiều, giá dầu thô sẽ chỉ phục hồi khi nào dịch virus Covid-19 được khống chế. Ông Stephen Innes, trưởng ban chiến lược thị trường tại hãng tài chính AxiCorp, nhận định tình trạng hoảng loạn bán tháo trên thị trường dầu thô có thể đã chấm dứt, trừ khi dịch virus Covid-19 có tác động mạnh đến nền kinh tế Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và là quốc gia sử dụng dầu thô lớn nhất thế giới.