Chốt phiên ggiao dịch ngày 14/7, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 18 cents lên 42,90 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 19 cents lên 40,29 USD/thùng.
Giá dầu thô bật tăng nhẹ trở lại sau khi Viện Dầu khí Hoa Kỳ cho biết lượng dầu thô tồn trữ tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm mạnh hơn so với dự báo được đưa ra trước đó. Các chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự báo lượng tồn trữ xăng dầu và dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã lần lượt giảm 600.000 thùng và 2,1 triệu thùng. Thị trường hiện tập trung quan sát dữ liệu chính thức do Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố trong ngày 16/7 (theo giờ Việt Nam).
Giá dầu thô cũng được nâng đỡ nhờ thông tin cho biết liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh bao gồm Nga đã thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác lên tới 107% thoả thuận cắt giảm. Kể từ đầu tháng 5/2020, liên minh OPEC+ đã thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khổng lồ lên tới 9,7 triệu thùng/ngày. Mức cắt giảm này sẽ được duy trì đến cuối tháng 7/2020 và dự kiến giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12/2020.
Thị trường dầu mỏ hiện cũng quan sát các động thái của liên minh OPEC+ trong việc điều hành việc cắt giảm sản lượng khai thác. Một uỷ ban giám sát của liên minh OPEC+ đang tiến hành nhóm họp để đánh giá việc thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn chịu áp lực giảm do những lo ngại sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ và một số quốc gia khác có thể tác động tiêu cực đến đà phục hồi mong manh của nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu. Trong ngày 13/7, tiểu bang đông dân nhất của Hoa Kỳ - California đã tái áp đặt các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trước đó, các tiểu bang lớn của Hoa Kỳ như Florida và Texas cũng đã phải hoãn kế hoạch mở cửa nền kinh tế khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao kỷ lục.
Một số quốc gia Châu Á và Australia cũng đã tái phong toả một số khu dân cư sau khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng nhưng số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao trở lại.
Tổng thư ký khối OPEC cho biết thị trường dầu mỏ đang dần tiến tới điểm cân bằng nhờ nhu cầu sử dụng dầu thô đang dần tăng trở lại. Báo cáo hàng tháng mới nhất của OPEC dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng kỷ lục thêm 7 triệu thùng/ngày trong năm 2021; tuy nhiên, tổng mức nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ vẫn thấp hơn so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Các dữ liệu mới nhất cũng cho thấy lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 6/2020 đã chạm mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn tài chính Citi nhận định việc tăng cường thu mua dầu thô của Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt khi giá dầu thô phục hồi trở lại. Đồng thời, việc nguồn cung dầu thô đang có dấu hiệu gia tăng trở lại sẽ tác động tiêu cực đến giá dầu thô khi sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô vẫn còn đối mặt nhiều điều bất ổn.
Tập đoàn tài chính Morgan Stanley nhận định phải đến cuối năm 2021 thì nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu mới phục hồi trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.