Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/3 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 41 cents tương ứng 0,6% xuống mức 69,22 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 41 cents xuống còn 65,61 USD/thùng.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô quốc tế gần như đi ngang, không biến động nhiều sau khi chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 1/2020 vào ngày 8/3. Như vậy, giá dầu thô đã xác lập tuần tăng giá thứ bảy liên tiếp.
Theo dự báo mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ hồi phục mạnh trong năm nay, đặt biệt là kể từ tháng 6 trở đi. Tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay sẽ đạt trung bình 96,3 triệu thùng/ngày, theo OPEC. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được OPEC nhận định sẽ đạt mức 5,1% trong năm nay, cao hơn so với mức 4,8% được đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, OPEC cũng nhấn mạnh các lĩnh vực tiêu thụ nhiều nhiên liệu, đặc biệt là ngành du lịch và vận tải, sẽ vẫn chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Do đó nhu cầu sử dụng dầu thô cũng như mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu của những ngành này trong năm 2021 sẽ vẫn ở mức thấp.
Trong cuối tuần trước, liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu, đã quyết định tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô như hiện nay cho đến tháng 4/2021.
Ả-rập Xê-út, nước đứng đầu khối OPEC, cho biết nước này không vội vã trong việc nâng sản lượng khai thác trở lại khi sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô vẫn đối mặt với rủi ro liên quan đến các biến chủng mới của virus Covid-19.
Các dữ liệu mới nhất của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. (Hoa Kỳ) cũng cho thấy số lượng các giàn khoan khai thác dầu thô hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã lần đầu tiên giảm xuống kể từ hồi tháng 11/2020 mặc dù giá dầu thô đang phục hồi ở mức cao.