Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 14/9, giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 tiếp tục tăng 0,6% lên 73,91 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 cũng tăng 0,615 lên 70,88 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 13/9, giá dầu thô quốc tế đã tăng khoảng 1,1%. Hiện giá dầu thô đang tiệm cận mức cao nhất kể từ đầu tháng 8/2021 đến nay.
Giới phân tích cảnh báo tình trạng đứt gãy nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ có thể kéo dài trong nhiều tuần nữa. Sau hơn 2 tuần kể từ khi siêu bão Ida đổ bộ vào tiểu bang Louisiana (Hoa Kỳ), phần lớn các giàn khoan ngoài khơi Vịnh Mexico vẫn chưa thể khôi phục lại hoạt động. Tính đến ngày 13/9, sản lượng khai thác dầu thô toàn khu vực này hiện chỉ đạt 40% so với mức thông thường. Khu vực Vịnh Mexico hiện chiếm khoảng 17% tổng sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, một số giàn khoan khai thác ngoài khơi Vịnh Mexico vừa mới khôi phục hoạt động nay lại phải tái sơ tán nhân viên khi cơn bão Nicholas với sức gió hiện đạt 113 km/h có thể đổ bộ vào tiểu bang Texas hoặc tiểu bang Louisiana trong những ngày tới đây. Đây đều là những trung tâm khai thác và lọc hoá dầu lớn nhất Hoa Kỳ.
Mặc dù cơn bão Nicholas được dự báo sẽ không gây ra thiệt hại lớn như siêu bão Ida những giới quan sát lo ngại cơn bão mới này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái khởi động một số nhà máy lọc hoá dầu tại tiểu bang Louisiana. Chính phủ Hoa Kỳ hiện đã phải sử dụng nguồn dự trữ dầu thô chiến lược quốc gia để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho một số khu vực chịu ảnh hưởng từ sự đứt gãy nguồn cung từ Vịnh Mexico.
Ông Hiroyuki Kikukawa, người đứng đầu bộ phận phân tích của hãng chứng khoán Nissan Securities (Nhật Bản), nhận định tâm lý lo ngại về rủi ro đối với nguồn cung do cơn bão Nicholas gây ra đã khiến giới đầu tư gia tăng mua vào.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô cũng đang bị kìm hãm khi mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu tại Hoa Kỳ đã chấm dứt. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể gia tăng lượng cung dầu thô ra thị trường từ nguồn dự trữ chiến lược quốc gia. Đồng thời, Iran cũng có thể gia tăng xuất khẩu dầu thô trong những tháng tới sau khi nước này vừa đạt thoả thuận quan trọng về giám sát phát triển hạt nhân với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), theo ông Hiroyuki Kikukawa.
Mặt khác, dữ liệu từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy sản lượng khai thác từ 7 mỏ dầu đá phiến lớn của nước này được dự báo sẽ tăng đáng kể 66.000 thùng/ngày lên mức 8,1 triệu thùng/ngày trong tháng 10 tới đây. Đây là mức sản lượng khai thác cao nhất kể từ tháng 4/2020 – thời điểm nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu bắt đầu sụp đổ dưới các tác động của đại dịch Covid-19.
Thị trường hiện tập trung theo dõi động thái của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và IEA trong việc đánh giá triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2022. Hãng tin Reuters cho biết khả năng cao OPEC sẽ hạ thấp dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trong quý 4/2021 do các tác động của biến chủng Covid-19 Delta.