Do vận chuyển hàng hoá bằng đường biển hiện chiếm khoảng 80% tổng lượng hàng hoá được giao dịch trên toàn cầu, việc giá cước vận chuyển đường biển tăng mạnh đang ảnh hưởng tới mọi mặt của nền kinh tế.
Hồi năm 2008, nhu cầu vận chuyển hàng hoá bùng nổ cũng tạo ra làn sóng ồ ạt đặt đóng mới tàu biển. Tuy nhiên, hiện tượng này nhanh chóng hạ nhiệt khi khủng hoảng tài chính khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỷ, kéo theo đó là sự sụt giảm về nhu cầu vận chuyển các loại hàng hoá.
Nhu cầu vận tải biển hiện đang bùng nổ chủ yếu bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, việc nhiều nền kinh tế tái mở cửa trở lại đã khiến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vốn bị đè nén trong thời gian dài bật tăng mạnh mẽ, kết hợp với các gói cứu trợ kinh tế và kích cầu khổng lồ đã khiến nhu cầu hàng hoá, nguyên vật liệu thô tăng vọt. Thứ hai, sự lây lan của đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục khiến nhiều chuỗi cung ứng đứt gãy, các cảng biển chính bị tắc nghẽn nghiêm trọng, kéo theo đó là hàng hoá bị vận chuyển chậm hơn rất nhiều so với thông thường.
Tất cả các yếu tố này đã khiến ngành vận tải biển đối mặt với sự căng thẳng trong suốt hơn 1 năm vừa qua nhưng cũng khiến mức lợi nhuận của các hãng vận tải biển tăng vọt.
Hãng môi giới tàu biển lớn nhất thế giới Clarksons PLC (Anh) cho biết ngành vận tải biển đang hưởng mức lợi nhuận cao nhất kể từ hồi năm 2008 trở lại đây. Trong đó, nhóm tàu vận tải container hưởng mức lợi nhuận cao nhất. Giá cước vận chuyển 1 container loại 40 feet từ Trung Quốc sang Châu Âu hiện ở mức 14.287 USD, tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cước vận tải trên các tuyến từ khu vực Bắc Á, Đông Nam Á đến Bắc Mỹ thậm chí còn tăng hơn 560% chỉ sau 1 năm. Điều này đã giúp hãng tàu container lớn nhất thế giới A.P. Moller-Maersk A/S (Đan Mạch) nâng dự báo lợi nhuận năm 2021 tăng thêm gần 5 tỷ USD.
Giá cước liên tục lập các đỉnh lịch sử mới khiến hãng tàu container lớn thứ ba thế giới CMA CGM SA (Pháp) cho biết đã bắt đầu phải cố định mức giá giao ngay để giữ chân các đối tác trong dài hạn. Theo dữ liệu của Clarksons PLC, các hãng tàu đang có mức lợi nhuận lên tới gần 40.000 USD/ngày/tàu, cao gấp 5 lần so với thời điểm năm 2008. Tuy nhiên, giá cước tăng cao cũng đang đẩy giá bán các loại hàng hoá đến người tiêu dùng tăng lên.
Bên cạnh nhóm tàu container, các tàu chở hàng khô rời cũng đang ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi đã kéo nhu cầu về hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô tăng mạnh. Dự kiến nhu cầu về hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô sẽ tiếp tục ở mức cao trong vòng 12 tháng tới.
Ông Ted Petrone, Phó chủ tịch Navios Maritime Holdings (Hy Lạp), cho biết “Nhu cầu về các loại tài nguyên thiên nhiên tăng mạnh cùng với các đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra đang khiến giá cước vận chuyển giao ngay lẫn giá cước vận chuyển trong tương lai tăng vọt”. Navios Maritime Holdings hiện sở hữu một đội tàu hàng khô rời lớn.
Tuy nhiên, thị trường vận tải biển cũng ghi nhận việc hầu hết các tàu chở dầu lại chịu lỗ trong phần lớn thời gian vừa qua kể từ đầu năm 2021. Việc liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh như Nga, quyết định cắt giảm sản lượng khai thác ở mức cao nhất lịch sử nhằm giữ cân bằng thị trường dầu mỏ đã khiến lượng dầu thô cần chuyên chở trên toàn cầu suy giảm.
Giới phân tích dự báo với xu hướng lượng tồn trữ dầu thô tại các nền kinh tế lớn có xu hướng liên tục giảm và OPEC+ đang dần nâng sản lượng khai thác trở lại thì các tàu chở dầu sẽ có thêm nhiều công việc hơn kể từ tháng 10 tới đây.