Cụ thể, vào lúc 16h00 chiều nay ngày 14/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 2/2022 tăng 0,55% lên 74,81 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 1/2022 cũng tăng 0,52% lên 71,66 USD/thùng.
Giới quan sát nhận định thị trường hiện đã ổn định hơn sau làn sóng bán tháo diễn ra hồi cuối tháng 11 vừa qua khi giới đầu tư lo ngại biến chủng Covid-19 Omicron có thể buộc nhiều quốc gia tái phong toả trở lại và ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya từ hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) nhận định “Tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới Covid-19 tại khu vực Châu Âu đang gây ra tác động lớn hơn so với các nhận định ban đầu, đặc biệt khi hiện tại là mùa lễ hội và mọi người có xu hướng tụ tập nhiều hơn. Do đó, triển vọng thị trường dầu mỏ trong tháng tới có thể trở nên tiêu cực”.
Nhiều quốc gia trên thế giới như Vương quốc Anh và Na Uy đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch như kêu gọi người dân làm việc từ xa, tạm ngưng trường học và các dịch vụ nhà hàng, khách sạn nhằm ngăn ngừa sự lây lan của biến chủng Covid-19 Omicron. Trung Quốc vừa qua đã ghi nhận ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên, giới quan sát nhận định điều này sẽ tiếp tục thử thách chiến lược “Không Covid-19” của Trung Quốc.
Ít nhất một bệnh nhân tại Vương quốc Anh đã tử vong sau khi nhiễm biến chủng Omicron và đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới được ghi nhân tử vong do nhiễm biến chủng mới này. Các thông tin hiện tại cho thấy mặc dù biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn biến chủng Delta nhưng các triệu chứng do biến chủng Omicron gây ra ít nghiêm trọng hơn.
Trong hôm nay, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á đang phát triển xuống 7% trong năm nay và 5,3% cho năm sau. Ông Joseph Zveglich, Jr., quyền kinh tế trưởng của ADB nhận định, châu Á đã có nhiều tiến triển trong ứng phó với Covid-19 thông qua việc tiếp tục tiêm vaccine và có chiến lược chống dịch tốt hơn, giúp thúc đẩy triển vọng kinh tế.
Tuy nhiên, các đợt bùng phát mới trong quý 3/2021 đã khiến tăng trưởng GDP bị chững lại. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của biến thể Omicron đang dẫn đến tình trạng bất định mới. Do vậy, những nỗ lực phục hồi gần đây sẽ phải tính đến các diễn biến này.
Hiện tại, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn nhận định nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu trong quý 1/2022 sẽ tiếp tục tăng lên, phục hồi về ngưỡng như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. OPEC hiện cho rằng sự xuất hiện của biến chủng Omicron sẽ chỉ gây ra ảnh hưởng hạn chế trong thời gian ngắn đối với nhu cầu sử dụng nhiên liệu.
Trong khi đó, nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng lên trong thời gian tới với dự báo sản lượng của khu vực khai thác dầu đá phiến lớn nhất tại Hoa Kỳ sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 1/2022.