Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 14/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiếp tục giảm 35 cents tương ứng 0,5% xuống còn 66,70 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 28 cents tương ứng 0,4% còn 63,54 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 13/5, giá dầu thô đã sụt giảm mạnh 3% trong bối cảnh thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô của Ấn Độ sẽ sụt giảm khi số ca nhiễm mới Covid-19 tiếp tục ở mức cao. Bên cạnh đó, tuyến đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất Hoa Kỳ Colonial Pipeline đã bắt đầu hoạt động trở lại bình thường sau khi bị tê liệt gần 1 tuần nay do tin tặc tấn công. Điều này đã giúp loại bỏ lo ngại tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tại Bờ Đông Hoa Kỳ.
Trong 24 giờ qua, số người tử vong vì dịch Covid-19 tại Ấn Độ tiếp tục vượt mức 4.000 ca ngày thứ hai liên tiếp; bên cạnh đó, số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này cũng vẫn ở mức cao, hơn 360.000 ca. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới
Một số chuyên gia phân tích nhận định giá dầu thô còn chịu áp lực điều chỉnh giảm do thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể sớm siết chặt các chính sách kích thích kinh tế. FED hiện đang chịu áp lực ngày càng lớn về việc kiểm soát lạm phát sau khi các dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hoa Kỳ trong tháng 4 vừa qua đã có mức tăng mạnh nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Việc FED siết chặt chương trình nới lỏng định lượng và nâng lãi suất trở lại có thể khiến đồng USD tăng giá trở lại, qua đó khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng USD như dầu mỏ trở nên “đắt hơn” đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc hãng chứng khoán OANDA nhận định “Nhu cầu sử dụng dầu thô vẫn tiếp tục ở mức cao trong nửa cuối năm nay và điều này sẽ ngăn chặn việc giá dầu thô giảm sâu”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu hiện đã vượt mức cung ứng và mức tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô có thể sẽ ngày càng trầm trọng hơn, kể cả khi Iran tăng cường xuất khẩu dầu trong thời gian tới.
Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay. OPEC nhận định sự phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ bù đắp lại sự sụt giảm nhu cầu sử dụng từ Ấn Độ.
Thị trường dầu mỏ hiện tập trung quan sát căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông khi xung đột Israel và Palestine bùng phát dữ dội.