Vào lúc 9h31 sáng nay (ngày 10/6, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 72 cents tương ứng 1,8% xuống 40,30 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 67 cents tương ứng 1,7% xuống còn 37,82 USD/thùng. Giá dầu thô hiện giảm phiên thứ hai liên tiếp trong bối cảnh số ca nhiễm mới dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ và một số quốc gia khác tăng cao khiến một số nơi phải tái áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô.
Tính chung cả tháng 6/2020, giá dầu thô đã tăng lên và đang hướng đến tháng tăng giá thứ ba liên tiếp. Đà phục hồi của giá dầu thô trong thời gian vừa qua chủ yếu nhờ quyết định cắt giảm sản lượng kỷ lục, lên tới 9,7 triệu thùng dầu/ngày, của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo. Mức cắt giảm này tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác dầu thô của một số quốc gia không thuộc liên minh OPEC+ như Hoa Kỳ cũng đã giảm mạnh khi giá dầu thô lao dốc.
Đà phục hồi của giá dầu thô cũng được hỗ trợ khi nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tái khởi động nền kinh tế, giúp phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Tuy nhiên với việc số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 10 triệu ca vào ngày 28/6 và các quốc gia như Ấn Độ và Brazil đang ghi nhận đến hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày thì nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai đang ngày càng lớn hơn. Các quốc gia vốn đã tuyên bố kiểm soát dịch thành công như Trung Quốc, New Zealand và Australia nay đã phải tái phong toả hoặc thắt chặt việc kiểm soát dịch bệnh tại một số vùng khi ghi nhận số ca nhiễm mới đột ngột tăng trở lại.
Nhà kinh tế học Howie Lee từ tập đoàn ngân hàng OCBC (Singapore) nhận định “Nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai đang ngày càng rõ nét hơn và điều này đang ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của giá dầu thô vốn được duy trì trong 6 – 8 tuần vừa qua”.
Ông Howie Lee cũng cho biết một số yếu tố khác đang tác động tiêu cực đến giá dầu thô gồm lượng tồn trữ dầu thô tăng cao, hoạt động khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ đang bắt đầu gia tăng trở lại và mức biên lợi nhuận của các nhà máy lọc hoá dầu ở mức thấp.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy bất chấp nỗ lực cắt giảm nguồn cung dầu thô ra thị trường của liên minh OPEC+, mức tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã liên tục phá các mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, mặc dù số lượng giàn khoan dầu thô và khí thiên nhiên tại Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần trước nhưng việc giá dầu thô tăng cao trong thời gian vừa qua có thể khiến một số hãng khai thác dầu đá phiến tại đây nối lại hoạt động sản xuất.
Ông Howie Lee cho biết “Trong 1 đến 2 tuần nữa, số giàn khoan khai thác dầu thô hoạt động sẽ tăng trở lại tương ứng với việc giá dầu thô tăng lên”. Các chuyên gia phân tích của tập đoàn ngân hàng ANZ cũng chung nhận định như ông Howie Lee.