Kỷ nguyên mới của kim loại đồng
Nhu cầu sử dụng suy giảm mạnh đã khiến giá kim loại đồng, một trong những kim loại chủ chốt trong các hoạt động công nghiệp, lao dốc vào hồi tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã đạt 5.928 USD/tấn – mức giá cao nhất trong 5 tháng trở lại đây khi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng kim loại này đang có triển vọng gia tăng mạnh. Sàn LME là một trong những sàn giao dịch kim loại lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Ông Henning Gloystein, Giám đốc bộ phận Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên toàn cầu của tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định sự bùng phát của đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy các chính phủ rót nhiều vốn hơn cho các hoạt động số hoá cũng như các giải pháp bảo vệ môi trường. Điều này sẽ kéo theo sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng kim loại đồng trong giai đoạn hậu dịch Covid-19.
“Các gói kích thích kinh tế xanh và chuyển đổi số, đặc biệt là ở khu vực Châu Á và Châu Âu sẽ giúp gia tăng mạnh nhu cầu về đồng. Các loại xe điện, mạng viễn thông 5G đến năng lượng tái tạo đều cần sử dụng đến kim loại đồng”, ông Henning Gloystein cho biết.
Theo đánh giá của Eurasia Group, các chương trình phát triển năng lượng sạch và số hoá sẽ giúp nhu cầu sử dụng đồng tăng 2,5% mỗi năm. Đến năm 2030, thế giới sẽ tiêu thụ tới 30 triệu tấn đồng chỉ phục vụ riêng mục đích này. Các thay đổi chính sách ở khu vực Châu Á và Châu Âu sẽ đóng góp lớn vào sự gia tăng nhu cầu sử dụng đồng.
Mặc dù triển vọng tích cực nhưng nhu cầu sử dụng đồng trong năm 2020 được dự báo sẽ giảm khoảng 5% trước các tác động của đại dịch Covid-19. Các gói kích thích kinh tế khổng lồ sẽ giúp nhu cầu sử dụng kim loại này tăng trở lại và có thể phục hồi ngang bằng mức trước khi đại dịch xảy ra trong năm tới, cũng như tăng khoảng 4% trong năm 2021.
Các chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn ngân hàng Bank of America dự báo giá đồng trong năm 2020 sẽ tăng 5,4% lên mức 5.621 USD/tấn và tăng lên tới 6.250 USD/tấn trong năm 2021. Khi các quốc gia tái khởi động nền kinh tế, nới lỏng các biện pháp kiểm dịch thì nhu cầu về kim loại đồng được kỳ vọng sẽ còn tăng lên cao hơn.
Các chuyên gia phân tích từ tập đoàn tài chính Morgan Stanley cũng dự báo nhu cầu sử dụng kim loại đồng sẽ nhanh chóng tăng trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra nhờ các biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ đang được áp dụng trên toàn cầu. Trong đó, việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đẩy mạnh cho chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng cùng với đó là việc gián đoạn nguồn cung đồng trên toàn cầu dưới các tác động của dịch bệnh sẽ là đòn bẩy kép giúp giá đồng tăng cao.
Nhu cầu sử dụng đồng của ngành công nghiệp xe điện hiện nay mới chiếm 1% nhu cầu đồng trên toàn cầu. Tuy nhiên, con số này sẽ được nâng lên mức 10% vào năm 2030, theo dự báo của Eurasia Group. Bên cạnh đó, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ chi hàng trăm tỷ USD vào việc số hoá nền kinh tế nước này trong 10 năm tới. Hàng loạt quốc gia khác cũng tăng cường các cam kết về phát triển công nghệ xanh.
Ông Henning Gloystein nhận định “Kim loại đồng sẽ là nguyên liệu chính yếu cho hầu hết các lĩnh vực công nghiệp đang được đẩy mạnh. Chào mừng đến với kỷ nguyên của đồng”.
Quân bài chính trị cho Trung Quốc
Ông Henning Gloystein cảnh báo sự bùng nổ mới nhu cầu sử dụng đồng có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Các nước thuộc khu vực Nam bán cầu như Chile, Brazil và Australia là nơi cung ứng đồng chính cho toàn cầu sẽ là những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi nhu cầu về kim loại đồng gia tăng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia này có thể sẽ được tăng cường hơn, ông Henning Gloystein nhận định.
"Sự trỗi dậy của kinh tế đồng sẽ còn mang theo sắc thái chính trị. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, có thể sẽ gia tăng ảnh hưởng chính trị đến các khu vực cung ứng đồng lớn”, ông Gloystein cho biết.
Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đồng tinh chế lớn nhất thế giới. Trong năm 2019, Trung Quốc đã tiêu thụ 13 triệu tấn đồng, theo dữ liệu của Eurasia Group. Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng sau khi Australia quyết định cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia các dự án phát triển mạng 5G tại nước này với các lo ngại đảm bảo an ninh quốc gia. Tiếp theo đó, Australia đã lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi điều tra quốc tế đối với Trung Quốc trong vấn đề nguồn gốc và cách xử lý đại dịch Covid-19.
Đáp trả lại hành động của Australia, Trung Quốc đã áp thuế cao lên hàng loạt hàng hoá xuất khẩu chính của Australia. Một số thành viên Quốc hội Australia đã đề nghị nước này dần rời bỏ thị trường Trung Quốc nhưng ông Henning Gloystein nhận định nhu cầu nhập khẩu đồng khổng lồ của Trung Quốc khó có thể khiến Australia từ bỏ thị trường hấp dẫn này.
Bên cạnh Australia, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường ảnh hưởng lên Chile – quốc gia xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới. Chile hiện đã tham gia vào sáng kiến Vành đai và con đường do Trung Quốc khởi xướng. Kim ngạch xuất khẩu của Chile sang Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Ông Henning Gloystein cảnh báo việc giá đồng tăng cao sẽ dẫn đến việc Chile gia tăng phụ thuộc hơn vào thị trường Trung Quốc và đối mặt với nhiều sức ép chính trị, từ việc tham gia hiệp định thương mại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho đến việc sử dụng thiết bị 5G của Huawei.
Eurasia Group cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo tương tự đối với Peru – một trong những quốc gia xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Peru sang Trung Quốc lớn gấp đôi so với kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Sự bùng nổ của ngành công nghiệp đồng có thể giúp Trung Quốc đạt được lợi thế lớn khi quốc gia này là người mua hàng lớn nhất trên thị trường và có thể tiếp tục khoét sâu vào những bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi khu vực Nam Mỹ từ lâu vốn được coi là khu vực ảnh hưởng của Hoa Kỳ.