Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 sẽ ở mức -4,9%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo -3% được đưa ra hồi tháng 4/2020. IMF cũng cho biết các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra đến nền kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 ở mức nghiêm trọng hơn và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra chậm hơn so với những dự báo ban đầu. Tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2021 cũng được IMF hạ xuống mức 5,4% so với mức tăng 5,8% được dự báo trước đây.
IMF cho biết các điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế này phản ánh khả năng các biện pháp cách ly xã hội sẽ vẫn được áp dụng trong nửa cuối năm nay nhằm phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động và hoạt động của các chuỗi cung ứng. Với các quốc gia vẫn có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao, việc kéo dài các biện pháp phong toả sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến các hoạt động kinh tế.
IMF cũng cảnh báo các dự báo của tổ chức này đưa ra trong bối cảnh có rất nhiều điều bất ổn và các hoạt động kinh tế sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian kéo dài của đại dịch Covid-19, các biện pháp cách ly xã hội, thay đổi trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và các động lực tăng trưởng mới của thị trường lao động.
Theo IMF, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường lao động trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những người lao động phổ thông với các công việc không thực hiện được từ nhà. Sự sụt giảm số giờ làm trong quý 2/2020 tương đương với việc có hơn 300 triệu việc làm toàn thời gian bị mất.
Đối với tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ ở mức -8% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức dự báo -5,9% đưa ra hồi tháng 4/2020. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của khối các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) xuống mức -10,2% trong năm 2020.
Dự báo tăng trưởng GDP của Brazil, Mexico và Nam Phi được IMF dự báo sẽ ở mức lần lượt -9,1%, -10,5% và -8%. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo đạt 1% trong năm nay.
Thế giới hiện ghi nhận hơn 9,5 triệu ca nhiễm Covid-19 và tình hình dịch bệnh tại khu vực Châu Mỹ và Ấn Độ tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số quốc gia đã khống chế thành công dịch trong thời gian trước như Trung Quốc và Đức nay lại ghi nhận số ca nhiễm bệnh mới tăng cao trở lại.
Nhằm đối phó với các tác động kinh tế do dịch bệnh gây ra, nhiều quốc gia trên toàn cầu đã tung ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn kỷ lục và đẩy mạnh việc vay nợ nhằm tài trợ cho các hoạt động kích thích kinh tế. Điều này đã khiến một số quốc gia đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công mới, IMF cảnh báo.
Kịch bản sơ bộ của IMF cho thấy quy mô nợ công trên toàn cầu trong năm 2020 và 2021 sẽ đạt mức cao kỷ lục, lần lượt đạt 101,5% và 103,2% quy mô GDP toàn cầu. Bên cạnh đó, mức thâm hụt ngân sách bình quân trên toàn cầu sẽ chạm mức 13,9% so với quy mô GDP trong năm nay, cao hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019.