Trong ngày 16/6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết bất chấp việc một số nền kinh tế đã tái mở cửa trở lại nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020 có thể sẽ suy giảm mạnh hơn mức dự báo giảm 3% được đưa ra hồi tháng 4/2020. Trong tháng 4/2020, khi những quốc gia Châu Âu đang trong những tuần đầu tiên tiến hành phong toả phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19, IMF đã cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1930.
Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết “Lần đầu tiên kể từ những năm 1930, cả những nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế mới nổi đều ghi nhận suy thoái trong năm nay. Bản cập nhập triển vọng kinh tế thế giới tháng 6 tới đây sẽ cho thấy mức suy giảm tăng trưởng cao hơn những gì được dự báo trước đây.” Quỹ IMF cũng nhận định cuộc khủng hoảng hiện tại, được đặt tên là Đại phong toả, “không giống bất cứ cuộc khủng hoảng nào trước đây trong lịch sử.”
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng y tế lớn trên toàn cầu và nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khi các hoạt động kinh tế bị đình trệ vì các biện pháp cách ly xã hội và hạn chế di chuyển. Nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống dịch sau thời gian dài áp dụng nhưng số ca nhiễm mới đang bắt đầu gia tăng trở lại, đặt ra những thách thức nghiêm trọng về duy trì các hoạt động kinh tế trong khi vẫn đảm bảo ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, hiện đã có hơn 8 triệu ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu và 5 quốc gia có số ca nhiễm lớn nhất gồm Hoa Kỳ, Brazil, Nga, Ấn Độ và Vương quốc Anh.
IMF cũng cảnh báo khối dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khối sản xuất. Đây cũng là điểm khác biệt so với các cuộc khủng hoảng trước đây khi việc thiếu hụt dòng vốn đầu tư khiến hoạt động sản xuất chịu thiệt hại lớn hơn so với các hoạt động dịch vụ.
Bà Gita Gopinath nhận định “Có thể sức cầu của người tiêu dùng, vốn đang bị dồn nén, sẽ bật tăng nhanh trở lại không giống như các cuộc khủng hoảng trước đây.” Tuy nhiên, bà Gita Gopinath cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 gây ra có thể thay đổi hành vi tiêu dùng, người tiêu dùng có thể gia tăng tiết kiệm hơn.
Các thị trường chứng khoán đã bật tăng lên mức cao kỷ lục mới trong bối cảnh các nền kinh tế, chính phủ, hệ thống dịch vụ y tế và người dân trên toàn cầu vật lộn với đại dịch Covid-19. Dữ liệu cho thấy chỉ số chứng khoán chính tại Hoa Kỳ là S&P500 đã phục hồi, lấy lại các mốc tăng quan trọng vốn bị mất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đồng thời, thị trường trái phiếu đã dần bình ổn trở lại trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sử dụng nhiều công cụ để can thiệp.
Bà Gita Gopinath nhận định “Chỉ có vài trường hợp ngoại lệ, sự gia tăng của các loại trái phiếu chính phủ và sự mất giá của các loại tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi hiện thấp hơn những gì nền kinh tế toàn cầu từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nếu diễn biến dịch bệnh trở nên xấu đi thì thị trường có thể điều chỉnh giảm mạnh.”