Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có của hàng loạt quốc gia trên thế giới, tổng GDP toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 5,2% dưới các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Đây là mức suy giảm kinh tế cao nhất trong vòng 80 năm trở lại đây đối với nền kinh tế toàn cầu.
Sự lây lan của dịch bệnh đã khiến khoảng 7 triệu người bị nhiễm bệnh trên toàn cầu và buộc nhiều quốc gia phải thực hiện các biện pháp phong toả khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Hiện đã có hàng nghìn tỷ USD được các nền kinh tế tung ra nhằm giữ các doanh nghiệp sống sót, kích thích nhu cầu tiêu dùng và giúp các thị trường tài chính hoạt động tốt.Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cảnh báo các nền kinh tế phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ và khu vực Châu Âu có thể sẽ thu hẹp đến 7% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ giảm 6,1% trong năm nay, trước khi phục hồi tăng trở lại vào năm 2021.
Giới phân tích nhận định, quý 2/2020 gần như chắc chắn là giai đoạn kinh tế tồi tệ nhất đối với các quốc gia phương Tây; trong khi đó, hầu hết các nền kinh tế tại khu vực Châu Á đã phải đối mặt với các thử thách kinh tế ngay từ những tháng đầu năm nay khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự báo kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay so với mức tăng 6,1% trong năm 2019.
Tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ để lại những vết sẹo sâu đối với nền kinh tế toàn cầu như hoạt động đầu tư sẽ giảm xuống mức thấp trong tương lai gần, hoạt động thương mại toàn cầu cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị suy yếu, và hàng triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp. Hoa Kỳ hiện đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930.
Tình trạng suy thoái lần này có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu như đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài hoặc số lượng lớn các doanh nghiệp buộc phải phá sản, không trụ được trước các áp lực tài chính do đại dịch gây ra.
Các nền kinh tế đang nổi lên cũng gặp những rủi ro kinh tế lớn do đại dịch gây ra do hệ thống chăm sóc y tế kém hiệu quả hơn và vị thế kinh tế chịu rủi ro lớn hơn khi các chuỗi cung ứng, hoạt động du lịch bị đình trệ, và phụ thuộc nhiều hơn vào diễn biến thị trường hàng hoá và các thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, việc giá dầu thô sụp đổ trong tháng 4 vừa qua có thể hỗ trợ tích cực các quốc gia tái mở cửa nền kinh tế, theo Ngân hàng Thế giới.