Mạch tăng trưởng dài nhất lịch sử của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã chính thức chấm dứt, theo thông báo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER) đưa ra trong ngày 8/6. NBER cũng cho biết Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái kinh tế kể từ tháng 2/2020.
Thông thường, tình trạng suy thoái sẽ được công bố khi nền kinh tế ghi nhận hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Trong quý 1/2020, GDP của Hoa Kỳ đã suy giảm 5%. NBER đã quyết định không chờ các dữ liệu tiếp theo trong bối cảnh hầu hết giới phân tích nhận định GDP của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục suy giảm mạnh trong quý 2/2020 khi các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 được phản ánh đầy đủ.
NBER nhấn mạnh nền kinh tế đang sụp đổ với tốc độ nhanh đến mức cơ quan này không chần chừ trong việc công bố Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái. Động thái này trái ngược hoàn toàn với những lần suy thoái trước đây khi cơ quan này chỉ công bố tình trạng suy thoái sau khoảng 1 năm khi các số liệu đã cho thấy suy thoái. Đây cũng là lần công bố trạng thái suy thoái nhanh nhất của NBER kể từ khi cơ quan này chính thức công bố các thông tin tương tự từ năm 1979.
Theo thông báo của NBER “Mức độ suy giảm mạnh chưa từng có trên thị trường lao động và hoạt động sản xuất cũng như tác động sâu rộng trên quy mô toàn nền kinh tế cho thấy giai đoạn này chính là thời kỳ suy thoái, mặc dù giai đoạn này có vẻ sẽ diễn ra ngắn hơn so với các đợt suy thoái trước đây”.
Các biện pháp giãn cách xã hội đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết hoạt động kinh tế tại Hoa Kỳ từ các hãng hàng không, hoạt động du thuyền đến các nhà hàng và các chương trình nghệ thuật. Hiện có hơn 42 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và hàng loạt doanh nghiệp lớn của nước này như JCPenney, J.Crew và Hertz buộc phải nộp đơn xin phá sản. Trong khi đó, các nhà kinh tế học dự báo GDP quý 2/2020 của Hoa Kỳ sẽ suy giảm tới 40%.
Mặc dù đợt suy thoái kinh tế lần này của Hoa Kỳ diễn ra bất ngờ nhưng các chuyên gia kỳ vọng nó sẽ sớm kết thúc. Các nhà kinh tế học dự báo GDP sẽ tăng nhanh trở lại trong quý 3/2020 khi các hoạt động kinh tế được diễn ra và người dân bắt đầu du lịch trở lại. Nền kinh tế Hoa Kỳ cũng đang được hỗ trợ tích cực từ các biện pháp chưa từng có.
Trong đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua gói kích thích kinh tế với quy mô lớn chưa từng có nhằm trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình, các khoản vay không hoàn lại cho các doanh nghiệp nhỏ và cứu trợ tài chính đối với một số tập đoàn lớn.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng đã hạ lãi suất xuống mức 0%, cam kết mua vào không giới hạn trái phiếu và đưa ra một loạt các chương trình cho vay khẩn cấp. Thậm chí, FED lần đầu tiên trong lịch sử trực tiếp mua vào các loại trái phiếu doanh nghiệp bao gồm cả các loại trái phiếu rác – trái phiếu được phân loại không đáng đầu tư nhằm hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ vượt qua các thách thức của đại dịch Covid-19.