Chốt phiên giao dịch ngày 23/4, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 96 cents tương ứng 4,7% lên 21,33 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng bật tăng mạnh 2,72 USD tương ứng 19,7% lên 16,5 USD/thùng.
Dầu thô đang trải qua tuần giao dịch biến động mạnh nhất trong lịch sử sau khi giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng; chốt phiên giao dịch ngày 20/4 ở mức -37,63 USD/thùng. Tình trạng hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ kéo dài trong 2 ngày khi giá dầu thô WTI tiếp tục “rơi tự do” 43% và giá dầu thô Brent mất 24% trong phiên giao dịch ngày 21/3.
Sau đó, giá dầu thô dần phục hồi trở lại nhờ một số thông tin tích cực về khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô và mức tăng thêm của lượng dầu thô tồn trữ tại Hoa Kỳ trong tuần trước thấp hơn đáng kể so với dự báo của giới phân tích. Một số chuyên gia nhận định giá dầu thô đã tạo đáy tuy nhiên một số ý kiến cho rằng đây chỉ là lúc thị trường “thở” trước khi lại giảm xuống do các yếu tố nền tảng trên thị trường hiện vẫn rất yếu.
Ông John Kilduff, đối tác tại quỹ dự phòng Again Capital LLC (Hoa Kỳ) cho biết việc giá dầu thô ở mức siêu thấp đã khiến số lượng giàn khoan dầu hoạt động tại Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, qua đó khiến sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ giảm 100.000 thùng/ngày xuống mức 12,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
Ông John Kilduff, đối tác tại quỹ dự phòng Again Capital LLC (Hoa Kỳ), nhận định “Chúng ta đang thấy phản ứng thực sự của ngành dầu mỏ Hoa Kỳ khi giá dầu thô ở mức siêu thấp, điều này đã giúp giá dầu thô tăng trở lại một chút. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn khi giá dầu mới ở trên mức 15 USD/thùng”.
Bên cạnh đó, giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm qua cũng phần nào được hỗ trợ từ việc căng thẳng đối đầu quân sự giữa Iran và Hoa Kỳ tăng cao, dẫn đến rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu thô từ khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, trưởng ban chiến lược hàng hoá Warren Patterson của tập đoàn ING nhận định thông tin này không hỗ trợ giá dầu thô trong lâu dài khi thị trường đang tràn ngập dầu thô, trừ khi mức căng thẳng giữa hai quốc gia tăng cao hơn nữa.
Việc giá dầu thô ở mức thấp kéo dài đang khiến hàng nghìn doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu thô tại Hoa Kỳ đứng trước nguy cơ phá sản. Mặc dù OPEC cùng các quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh (liên minh OPEC+) đã đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô lịch sử, lên tới 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu nhưng giá dầu thô vẫn tiếp tục sụt giảm.
Thoả thuận cắt giảm này đã “quá trễ và quá ít” để giải cứu thị trường dầu mỏ trong bối cảnh thoả thuận này sẽ chỉ được thực thi kể từ tháng 5/2020 và nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu ước tính đã giảm khoảng 30%.
Trong ngày 23/5, Kuwait, một thành viên của khối OPEC, cho biết nước này đã bắt đầu cắt giảm số lượng dầu thô cung ứng ra thị trường quốc tế thay vì chờ đến ngày 1/5 khi thoả thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ bắt đầu có hiệu lực.
Hãng tin Reuters cho biết Nga đang tìm kiếm các phương án cắt giảm sản lượng khai thác của nước này theo thoả thuận với liên minh OPEC+ bao gồm khả năng đốt bỏ dầu thô khai thác được. Trong tuần trước, Nga đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác dầu thô của nước này giảm 20% sản lượng khai thác.
Hãng tư vấn năng lượng Rystard Energy tiếp tục hạ dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020 xuống mức 89,2 triệu thùng/ngày, giảm 10% so với năm 2019. Trong tuần trước, hãng này dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ giảm còn 90,3 triệu thùng/ngày trong năm nay.