Giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 10 USD/thùng
Chốt phiên giao dịch ngày 7/4, giá dầu thô Brent đã đạt 31,87 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 23,63 USD/thùng. Giá dầu thô đã phục hồi tăng nhẹ trở lại từ mức 20 USD/thùng kể từ giữa tuần trước trong bối cảnh thị trường nhen nhóm kỳ vọng liên minh OPEC+ có thể đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng quy mô lớn lên tới 10% - 15% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu, tương đương mức cắt giảm 10 triệu thùng – 15 triệu thùng dầu/ngày.
Liên minh OPEC+ gồm Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô. Bên cạnh đó, một số quốc gia khai thác dầu thô khác không thuộc liên minh OPEC+ như Canada và Na Uy cũng phát tín hiệu cho thấy sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác nếu như liên minh OPEC+ đạt được thoả thuận.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo đà sụt giảm của giá dầu có thể sẽ chưa sớm chấm dứt khi dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ còn giảm mạnh hơn nữa trong quý 2/2020 khi đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát phức tạp tại nhiều khu vực kinh tế lớn và chưa có dấu hiệu sẽ sớm được kiểm soát. Diễn biến tiêu cực của dịch bệnh sẽ làm lu mờ bất kỳ nỗ lực hợp tác bình ổn thị trường của các quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới như Nga, Ả-rập Xê-út và Hoa Kỳ.
Xem thêm tại: Viễn cảnh giá dầu thô xuống dưới 10 USD/thùng
Theo khảo sát gần đây nhất của hãng tin CNBC với 30 chiến lược gia thị trường, chuyên gia phân tích và nhà giao dịch dầu mỏ trên toàn cầu, 12 người trong số những người được hỏi dự báo giá dầu thô sẽ đạt mức trung bình 20 USD/thùng trong quý 2/2020. Tuy nhiên, có đến 9 người (tương đương 30%) dự báo giá dầu thô có thể xuống dưới mức 20 USD/thùng trong quý này. Thậm chí, một số chuyên gia cảnh báo giá dầu thô có thể rơi về mức trung bình 15 USD/thùng hoặc dưới 10 USD/thùng nếu như dịch bệnh diễn ra kéo dài.
Đã quá muộn để giải cứu thị trường dầu mỏ
Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng Johannes Benigni nhận định ngay cả khi liên minh OPEC+ đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng thì mức cắt giảm này vẫn không đủ bù đắp sự sụt giảm của nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cảnh báo lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu sẽ vẫn tăng thêm 15 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020 ngay cả khi các quốc gia khai thác dầu thô đã cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục 10 triệu thùng/ngày.
Giới phân tích dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên thế giới sẽ giảm khoảng 30% tương ứng mức giảm 30 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020 vì đại dịch Covid-19. Bên cạnh cú sốc cầu, tình trạng dư cung dầu thô vốn đang nhanh chóng lấp đầy các kho chứa dầu thô trên toàn cầu cũng sẽ kìm hãm đà phục hồi của giá dầu thô. Do đó bất kỳ sự bật tăng của giá dầu trong những tuần tới sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn trước khi giá dầu thô quay đầu giảm trở lại.
Các chuyên gia thuộc tập đoàn tài chính Citigroup dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 17 USD/thùng trong quý 2/2020; đồng thời cảnh báo sự hợp tác của Nga, Ả-rập Xê-út và Hoa Kỳ “không thể ngăn được việc giá dầu có thể giảm xuống dưới mức 10 USD/thùng từ nay đến cuối tháng 4/2020”.
Các biện pháp hạn chế di chuyển, cách ly xã hội, đóng cửa biên giới và phong toả đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu và nhu cầu sử dụng dầu thô có thể vẫn ở mức yếu ngay cả khi dịch bệnh đã được kiếm chế do nhiều quốc gia được dự báo sẽ đối mặt với suy thoái kinh tế.
Ông Anthony Grisanti, nhà sáng lập và chủ tịch tập đoàn tư vấn giao dịch năng lượng GRZ Energy, cho biết “Trong quý 2/2020 thậm chí là quý 3/2020, giá dầu thô khó có thể phục hồi theo mô hình chữ V. Mọi người càng bị giữ ở trong nhà lâu thì hành vi của họ cũng sẽ thay đổi theo và giá dầu thô sẽ khó vượt mức 30 USD – 35 USD/thùng trong 6 tháng tới”. Theo mô hình chữ V, giá dầu thô sẽ sụt giảm mạnh và sau đó phục hồi nhanh trở lại.
Đồng ý với quan điểm của ông Anthony Grisanti, hai chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ từ tập đoàn ngân hàng đầu tư Standard Chartered Paul Horsnell và Emily Ashford nhận định “Sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ còn kéo dài ngay cả khi dịch bệnh chấm dứt do những thay đổi vĩnh viễn trong hành vi di chuyển và các doanh nghiệp khó có thể phục hồi nhanh trở lại”.