Chốt phiên giao dịch ngày 7/4, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã giảm 9,4% tương ứng 2,45 USD/thùng xuống mức 23,63 USD/thùng; giá dầu thô Brent cũng giảm 3,6% tương ứng 1,18 USD/thùng xuống còn 31,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent hiện đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá dầu thô WTI chịu áp lực giảm mạnh sau khi Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng mạnh 11,9 triệu thùng lên mức 473,8 triệu thùng. Con số này cũng cao hơn mức dự báo tăng 9,3 triệu thùng của giới phân tích đưa ra trước đó. Dữ liệu chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ được công bố trong ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam).
Sự gia tăng mạnh của lượng dầu thô tồn trữ phản ánh nhu cầu sử dụng nhiên liệu và các sản phẩm từ dầu mỏ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm xuống trong bối cảnh nước này kéo dài các biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Ông Bob Yawger, giám đốc phụ trách thị trường năng lượng tương lai tại tập đoàn ngân hàng Mizuho, nhận định tình trạng dư cung dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đang tăng cao trên thị trường.
Đợi chờ thoả thuận của liên minh OPEC+
Thị trường dầu mỏ hiện tập trung quan sát phản ứng của các quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới. Dự kiến Ả-rập Xê-út và Nga sẽ nhóm họp vào ngày 9/4 tới đây nhằm thảo luận một thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác quy mô lớn.
Tuy nhiên một số nước thành viên liên minh OPEC+ cho biết sẽ chỉ đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác nếu như Hoa Kỳ - quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất hiện nay tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng. Liên minh OPEC+ gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh.
Xem thêm tại: Thị trường dầu mỏ sẽ "vỡ trận" nếu Hoa Kỳ không ra tay?
Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết cắt giảm sản lượng khai thác nào mặc dù ông liên tục thúc giục Ả-rập Xê-út và Nga nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến giá dầu. Tổng thống Donald Trump đe doạ sẽ áp thuế lên dầu thô nhập khẩu từ Nga và Ả-rập Xê-út; đồng thời, một số nghị sĩ Hoa Kỳ đang trình dự luật yêu cầu rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Ả-rập Xê-út nhằm gây áp lực buộc nước này phải cắt giảm sản lượng khai thác.
Ông Donald Trump cho biết ông kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác từ 10% - 15% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu, tương đương từ 10 triệu – 15 triệu thùng dầu/ngày.
Mặc dù luật pháp Hoa Kỳ hiện nghiêm cấm các doanh nghiệp nước này tham gia các liên minh thao túng giá như tham gia liên minh cắt giảm sản lượng khai thác nhưng chính quyền liên bang hoặc chính quyền bang có thể áp đặt mức sản lượng khai thác thấp cho các doanh nghiệp.
Giá dầu thô ở mức thấp đang khiến ngành khai thác dầu mỏ tại Hoa Kỳ đối mặt với sự phá sản của hàng loạt công ty. Báo cáo mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết chưa cần đến việc tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác, việc giá dầu thô giảm thấp dự báo sẽ khiến tổng sản lượng khai thác dầu thô của nước này xuống còn 11 triệu thùng/ngày vào năm 2021, giảm 2 triệu thùng/ngày so với mức khai thác cao nhất hồi năm 2019.
EIA cho biết sự sụt giảm này là do nhiều doanh nghiệp khai thác dầu thô Hoa Kỳ đã buộc phải tạm thời giảm sản lượng khai thác. Các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ hiện cần giá dầu thô ở mức ít nhất 68 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn.