Vào lúc 7h26 sáng nay (ngày 7/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã tăng 73 cents tương ứng 2,2% lên mức 33,78 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 97 cents tương ứng 3,7% đạt 27,05 USD/thùng/. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (6/4), giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã lần lượt giảm 3% và 8%.
Giá dầu thô tăng lên trong sáng nay nhờ tâm lý thị trường kỳ vọng các quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất trên thế giới bao gồm Ả-rập Xê-út và Nga sẽ đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác trong cuộc họp hôm 9/4 tới đây. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, mặc dù bản thoả thuận lần này sẽ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ - quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới có tham gia hay không nhưng Ả-rập Xê-út và Nga khả năng cao sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng.
Trong ngày 6/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết khối OPEC vẫn chưa yêu cầu Hoa Kỳ tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác. Thông thường, luật pháp Hoa Kỳ không cho phép các doanh nghiệp nước này tham gia hình thành các liên minh kiểm soát giá thị trường như việc tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác.
Xem thêm tại: Thị trường dầu mỏ sẽ "vỡ trận" nếu Hoa Kỳ không ra tay?
Tuy nhiên, một số chuyên gia về luật chống độc quyền của Hoa Kỳ cho biết nếu như Chính phủ liên bang Hoa Kỳ ban hành yêu cầu thì việc các doanh nghiệp nước này tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ sẽ được hợp pháp hoá. Việc giá dầu thô giảm mạnh đang tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp khai thác dầu Hoa Kỳ, đặc biệt là ngành khai thác dầu đá phiến, khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt tình trạng phá sản và sa thải nhân sự quy mô lớn.
Hãng tin Reuters cũng cho biết Nga hiện đã sẵn sàng cho việc cắt giảm quy mô lớn sản lượng khai thác nhằm bình ổn thị trường. Trong tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết liên minh OPEC+ gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh có thể cắt giảm sản lượng khai thác lên tới 10 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng sản lượng khai thác dầu thô.
Một số chuyên gia phân tích cảnh báo việc cắt giảm sản lượng khai thác quy mô lớn chưa chắc sẽ giúp giá dầu thô tăng lên trong dài hạn trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sụt giảm tới 30% tương đương 30 triệu thùng/ngày vì đại dịch Covid-19. Hiện có khoảng 3 tỷ người dân trên toàn cầu buộc phải ở nhà do các biện pháp phong toả hoặc cách ly xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, kéo theo đó là sự đình trệ của hầu hết các hoạt động kinh tế.
Hãng tư vấn kinh tế Capital Economics nhận định “Giá dầu thô sẽ còn tiếp tục ở mức thấp trong vài tuần tới bất chấp khả năng các quốc gia khai thác dầu thô lớn đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng. Chúng tôi (Capital Economics) dự báo giá dầu thô sẽ chỉ tăng trở lại khi các hoạt động kinh tế được phục hồi”.