Vào lúc 10h52 sáng nay (ngày 14/5, theo giờ Việt Nam), giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 0,6% xuống mức 4,98-3/4 USD/giạ (27,2 kg); đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá lúa mì giảm về mức 4,98-1/4 USD/giạ (27,2 kg) – mức thấp nhất kể từ ngày 18/3/2020. Chốt phiên giao dịch ngày 13/5, giá lúa mì đã giảm 2,5%.
Ông Tobin Gorey, giám đốc chiến lược thị trường hàng hoá nông sản của Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia, nhận định “Thị trường dường như vẫn đang phản ứng với dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) về triển vọng thị trường lúa mì niên vụ 2020”. USDA dự báo lượng tồn trữ lúa mì trên toàn cầu vào cuối niên vụ 2020/2021 sẽ đạt mức cao kỷ lục 310,12 triệu tấn, tăng đáng kể so với mức 295,12 triệu tấn của niên vụ 2019/2020.
Giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT cũng đã giảm 0,4% xuống 8,36-1/2 USD/giạ (27,2 kg), đánh dấu phiên giảm giá thứ ba liên tiếp. Chốt phiên giao dịch ngày 13/5, giá đậu tương giảm 1,5%. Giá đậu tương tiếp tục giảm xuống bất chấp các thông tin cho thấy Trung Quốc, đối tác nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Hoa Kỳ, đang gia tăng nhập khẩu trở lại.
USDA đã xác nhận việc Trung Quốc nhập khẩu 396.000 tấn đậu tương từ các doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ; trước đó 1 ngày, USDA cũng cho biết Trung Quốc đã nhập khẩu 136.000 tấn đậu tương từ nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.
Giá ngô theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã giảm 0,2% xuống 3,17-3/4 USD/giạ (25,4 kg); đánh dấu phiên giảm giá thứ hai liên tiếp. Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá ngô đã giảm 1,2%.
Trung Quốc hiện đang phân bổ quota nhập khẩu trong năm 2020 với ưu đãi mức thuế suất thấp cho mặt hàng ngô. Các chuyên gia dự báo, Trung Quốc có thể mở rộng ưu đãi thuế quan đối với mặt hàng lúa mì của Hoa Kỳ nhằm đảm bảo việc thực thi cam kết đẩy mạnh thu mua nông sản trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai quốc gia cũng như đảm bảo tuân thủ các quy định của thuơng mại toàn cầu.