Giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,6% lên mức 8,81-1/2 USD/giạ (27,2 kg) vào lúc 10h12 sáng nay (ngày 11/3, theo giờ Việt Nam). Đánh dấu phiên tăng giá thứ hai liên tiếp của giá đậu tương sau khi đậu tương sụt giảm mạnh xuống mức 8,67 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ ngày 11/9/2019 vào ngày 9/3.
Giá các loại nông sản chính trên thị trường hàng hoá, bao gồm đậu tương đã chịu tác động tiêu cực từ việc giá dầu thô sụp đổ vào ngày 9/3 khiến tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư lan rộng trên các thị trường tài chính. Giá đậu tương bắt đầu phục hồi trở lại khi giới đầu tư bắt đáy và một số nhà nhập khẩu đẩy mạnh thu mua dự trữ khi giá hàng hoá xuống thấp.
Ông Darin Friedrichs, chuyên gia phân tích cấp cao thị trường hàng hoá khu vực Châu Á tại hãng phân tích INTL FCStone, cho biết việc giá đậu tương giảm xuống thấp cùng với việc đồng nội tệ real của Brazil giảm đã khuyến khích các nhà nhập khẩu Trung Quốc đẩy mạnh thu mua đậu tương trên thị trường. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.
Mặc dù giá đậu tương đã phục hồi trở lại nhưng đà phục hồi của mặt hàng này vẫn bị kìm hãm bởi dự báo lượng tồn trữ đậu tương trên toàn cầu sẽ tăng lên. Trong ngày 10/3, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo lượng dự trữ đậu tương toàn cầu tính đến cuối niên vụ 2019/2020 sẽ đạt 102,44 triệu tấn, cao hơn mức dự báo 98,86 triệu tấn được đưa ra hồi tháng 2/2020. Sự gia tăng lượng dự trữ đậu tương toàn cầu chủ yếu do sản lượng đậu tương tại Brazil và Argentina tăng lên. Brazil và Argentina hiện là những nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.
Trên sàn CBOT, giá ngô đã giảm 0,1% xuống còn 3,77 USD/giạ (25,4 kg); giá lúa mì cũng giảm 0,1% xuống mức 5,22 USD/giạ (27,2 kg) – đánh dấu phiên giảm giá đầu tiên trong ba phiên giao dịch gần đây.