Lúc 10h07 sáng nay (ngày 8/5, theo giờ Việt Nam), giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,4% lên 8,48 USD/giạ (27,2 kg), gần chạm mốc 8,48-3/4 USD/giạ - mức cao nhất kể từ ngày 1/5/2020; đánh dấu phiên tăng giá thứ hai liên tiếp.
Đà tăng của giá đậu tương chủ yếu nhờ thông tin Trung Quốc gia tăng thu mua đậu tương của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đà tăng của giá đậu tương vẫn bị kìm hãm bởi lo ngại căng thăng giữa hai quốc gia đang ngày càng tăng xung quanh tranh cãi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, điều này có thể khiến Trung Quốc giảm thu mua nông sản của Hoa Kỳ.
Ông Phin Ziebell, nhà kinh tế nông nghiệp học tại Ngân hàng quốc gia Australia, nhận định “Việc Trung Quốc gia tăng thu mua đậu tương đang giúp hỗ trợ giá đậu tương nhưng cần nhiều yếu tố khác để củng cố mức giá hiện tại và tình trạng căng thẳng địa chính trí giữa hai quốc gia đang ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng giá”.
Trong khi đó, giá lúa mì được giữ không đổi tại mức 5,22-1/2 USD/giạ (27,2 kg); tính chung từ đầu tuần giao dịch đến nay, giá lúa mì đã tăng 1%, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong vòng 4 tuần trở lại đây.
Giá lúa mì hiện đang bị chi phối bởi các yếu tố gồm sự lo ngại diễn biến của đại dịch Covid-19 có thể làm giảm nhu cầu sử dụng lúa mì; trong khi đó, tình hình thời tiết tiêu cực tại Hoa Kỳ ảnh hưởng xấu đến hoạt động canh tác lúa mì, lại đang giúp nâng đỡ giá lúa mì trên thị trường.
Nhu cầu sử dụng lúa mì trên toàn cầu được dự báo sẽ suy giảm do các hoạt động du lịch và di chuyển bị hạn chế khiến mức tiêu thụ lúa mì tại các nhà hàng và cửa hàng bánh trên toàn cầu suy giảm.
Giá ngô trong tuần này cũng đã tăng nhẹ trở lại sau khi giảm 1,4% trong tuần giao dịch trước. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy đã có 686.000 tấn ngô của Hoa Kỳ được xuất khẩu sang Trung Quốc, lượng ngô này bao gồm ngô được thu hoạch trong niên vụ 2019/2020 và niên vụ 2020/2021.