Chốt phiên giao dịch ngày 7/5, giá dầu thô Brent giao tương lai (LCOC1) đã giảm 26 cents tương ứng 0,9% xuống 29,46 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai (CLC1) cũng giảm 44 cents tương ứng 1,8% xuống còn 23,55 USD/thùng.
Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã có lúc bật tăng mạnh với mức tăng lần lượt đạt 5% và 10% sau khi Ả-rập Xê-út nâng mức giá bán dầu thô chính thức (OSP) của nước này trong tháng 6/2020. Mức giá OSP của tháng 5/2020 được Ả-rập Xê-út hạ xuống mức thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Giới phân tích nhận định việc nâng giá OSP của Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 2 thế giới, cho thấy nước này sẽ tuân thủ việc cắt giảm sản lượng theo thoả thuận của liên minh OPEC+.
Giá dầu thô trong đầu phiên giao dịch còn được hỗ trợ khi dữ liệu mới nhất cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 4/2020 đã tăng cao lên mức 10,42 triệu thùng/ngày, so với mức 9,68 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2020. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm trở lại khi tâm lý thị trường tiếp tục lo ngại về diễn biến nhu cầu sử dụng dầu thô và hoạt động cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô trên thế giới.
Tính từ đầu tuần này đến hết phiên giao dịch ngày 7/5, giá dầu thô Brent đã tăng 11% và giá dầu thô WTI tăng 18%. Đà bật tăng của giá dầu thô trong những ngày vừa qua chủ yếu nhờ thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng trở lại khi nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19, tái mở cửa nền kinh tế.
Bên cạnh đó, sản lượng khai thác dầu thô trên toàn cầu bắt đầu giảm xuống khi thoả thuận cắt giảm khổng lồ lên tới 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu của liên minh OPEC+ bắt đầu có hiệu lực; một số hãng khai thác dầu thô lớn nhất thế giới cũng cho biết sẽ cắt giảm mạnh sản lượng khai thác.
Nhận định về sự suy giảm của giá dầu thô trong phiên giao dịch vừa qua, ông John Kilduff, đối tác tại hãng tư vấn đầu tư Again Capital, nhận định “Thị trường vẫn tiếp tục đối mặt với những biến động mạnh và sự suy giảm của giá dầu thô lần này không khiến tôi ngạc nhiên”.
Các tin tức mới nhất cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô khó có thể tăng nhanh trở lại. Số lượng lao động thất nghiệp tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng lên với 3,2 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần kết thúc vào ngày 2/5; nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này lên 33 triệu đơn tính từ ngày 21/3/2020.
Hãng tư vấn năng lượng Rystard Energy dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ giảm xuống còn 88,7 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 10,9% so với mức 99,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Trong tuần trước, Rystard Energy dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ đạt trung bình 88,8 triệu thùng/ngày trong năm 2021.