Việc nhiều quốc gia, đặc biệt là tại khu vực Châu Á, thực hiện các biện pháp phong toả và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng khí đốt trên toàn cầu sụt giảm mạnh. Giá khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á (LNG-AS) trong tuần trước (27/4 – 1/5) tiếp tục giảm mạnh còn 1,85 USD/mmBtu, mức giá thấp nhất trong lịch sử, khi thị trường rơi vào tình trạng dư cung cao.
Nhu cầu sử dụng LNG của khu vực Châu Á chiếm khoảng 75% tổng lượng LNG được nhập khẩu trên toàn cầu với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đạt 80% trong giai đoạn từ 2010 đến 2018. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng khí LNG tại các quốc gia sử dụng lớn nhất thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ đã giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Ông Alex Dewar, quản lý cấp cao phụ trách thị trường năng lượng tại tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), cho biết “Ngay cả khi giá LNG tại khoảng mức 2 USD/mmBtu thì một số hãng khai thác cũng đã gần như không thể hoà vốn. Thị trường sẽ chứng kiến việc một số hãng cung ứng LNG buộc phải tạm ngưng hoạt động”.
Ngay cả khi đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19, một số quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng phục hồi kinh tế yếu ớt, hoạt động sản xuất và xuất khẩu ở mức thấp do nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn đang vật lộn với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, giá LNG cũng chịu áp lực giảm mạnh khi giá dầu thô quốc tế đã giảm hơn 50% so với thời điểm cuối năm 2019. Hầu hết các hợp đồng mua LNG tại khu vực Châu Á được thực hiện theo các hợp đồng dài hạn và được định giá theo giá dầu thô; thông thường sẽ có độ trễ từ 3 đến 6 tháng sau khi giá dầu thô sụt giảm thì giá LNG sẽ giảm theo.
Hiện tại hãng tư vấn năng lượng Rystard Energy vẫn dự báo nhu cầu sử dụng LNG toàn cầu sẽ tăng gần 2% trong năm 2020 lên mức 359 triệu tấn; trong năm 2019, nhu cầu sử dụng LNG toàn cầu đã tăng 13%. Tuy nhiên, mức sử dụng LNG toàn cầu sẽ còn tuỳ thuộc vào diễn biến thời tiết và khoảng thời gian áp đặt các biện pháp phong toả phòng chống đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, tập đoàn xử lý khí LNG lớn nhất Hoa Kỳ Cheniere Energy Inc cho biết các dự án đầu tư mới khai thác LNG trên toàn cầu sẽ sụt giảm trong năm nay và năm 2021 với mức sụt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng toàn cầu lên tới 30%.
Woodside Petroleum Ltd, hãng sản xuất LNG độc lập lớn nhất Australia, cho biết sẽ rất khó để cắt giảm sản lượng khai thác LNG do các hợp động bán LNG dài hạn chiếm tới 80% sản lượng khai thác của hãng này và các lô hàng của các hợp đồng này được chuyển giao định kỳ hàng năm. Australia hiện là nhà cung ứng LNG lớn nhất trên thế giới.
Hãng khai thác dầu khí quốc doanh Malaysia Petronas hiện được cho rằng cũng đang cắt giảm sản lượng khai thác LNG; cơ sở khai thác LNG Predlude của tập đoàn năng lượng Royal Dutch Shell cũng đã ngưng sản xuất kể từ tháng 2/2020 do sự cố điện và hiện không có kế hoạch tái mở cửa hoạt động sớm trở lại.