Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 24/4), giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay đến khu vực Bắc Á đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 1,95 USD/mmBtu. Đây cũng là lần đầu tiên, giá khí LNG giao đến khu vực Bắc Á chốt phiên giao dịch tại mức dưới 2 USD/mmBtu.
So với mức đỉnh trước mùa đông năm 2019 khi giá đạt 6,80 USD/mmBtu vào tháng 10/2019, thì mức giá chốt phiên ngày 24/4 đã giảm 71,3%. Mức giảm này cao hơn so với mức giảm 70,1% của giá dầu thô Brent hiện nay so với mức giá đỉnh 71,75 USD/thùng vào ngày 8/1/2020.
Nhu cầu sử dụng khí LNG trên thế giới đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua khi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm. Bên cạnh đó, tình trạng nguồn cung khí LNG có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi nhiều dự án khai thác khí LNG mới đi vào vận hành. Điều này đã tạo ra áp lực kép lên giá khí LNG trên toàn cầu.
Giá khí LNG giao ngay tại khu vực Châu Á hiện đã gần ngang bằng mức giá khí thiên nhiên giao tương lai trên thị trường Hoa Kỳ, điều tương đối hiếm xảy ra trên thị trường quốc tế. Chốt phiên giao dịch ngày 24/4, giá khí tự nhiên trên thị trường tương lai Hoa Kỳ đạt 1,75 USD/mmBtu giảm mạnh so với mức 2,91 USD/mmBtu vào ngày 5/11/2019 – thời điểm bắt đầu mùa đông tại khu vực Bắc bán cầu.
Mặc dù giá khí LNG giao ngay tại khu vực Châu Á có một số điểm khác biệt so với giá khí tự nhiên tại thị trường tương lai Hoa Kỳ nhưng một số chuyên gia nhận định mức ngang giá này có thể cho thấy lượng xuất khẩu khí LNG từ Hoa Kỳ sang khu vực Châu Á sẽ sụt giảm mạnh trong thời gian tới. Mức giá khí tự nhiên trên thị trường tương lai Hoa Kỳ chưa bao gồm chi phí vận chuyển đến nhà máy hoá lỏng, chi phí quá trình hoá lỏng và chi phí vận chuyển từ bờ biển Hoa Kỳ đến khu vực Châu Á.
Hãng tư vấn giá cả hàng hoá Argus cho biết, chi phí hoá lỏng hiện ở mức khoảng 3 USD/mmBtu và mức phí vận chuyển từ bờ biển Hoa Kỳ đến Châu Á hiện dao động từ khoảng 60 cents/mmBtu (đến Nhật Bản) và 81 cents/mmBtu (đến Trung Quốc). Qua đó cho thấy mức giá hoà vốn hiện tại của khí LNG từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc hiện ở mức 5,56 USD/mmBtu, cao hơn rất nhiều so với mức giá giao ngay hiện tại.
Mức giá khí LNG giao ngay hiện tại cho khu vực Châu Á cũng thấp hơn rất nhiều so với mức giá hoà vốn của phần lớn các nước cung ứng khí LNG chủ yếu cho thị trường Châu Á như Australia, Malaysia và Indonesia. Hãng tin Reuters cho biết hầu hết các dự án khai thác khí LNG của Australia, nước xuất khẩu khí LNG hàng đầu thế giới, sẽ cần giá khí LNG ở mức 3 USD/mmBtu để đạt điểm hoà vốn.
Tuy nhiên, do chi phí chạy không tải và chi phí tái khởi động các nhà máy hoá lỏng khí thiên nhiên ở mức cao, giới phân tích nhận định các nhà máy khí LNG của Australia sẽ khó đóng cửa ngưng sản xuất ngay cả khi họ đang chịu sức ép thua lỗ lớn.
Không giống như thị trường dầu mỏ vốn đã giảm được sức ép dư cung phần nào khi liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh đã đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khi giá dầu mỏ xuống thấp, trên thị trường khí LNG, tình trạng dư cung khí LNG sẽ tiếp tục diễn ra khi 8 dự án sản xuất khí LNG mới của Australia và một số dự án khác của Hoa Kỳ sẽ đi vào khai thác trong thời gian tới.
Dữ liệu theo dõi tàu và các cảng biển của chuyên trang dữ liệu Refinitiv cho thấy mức nhập khẩu khí LNG của Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu khí LNG hàng đầu thế giới, trong tháng 4/2020 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,13 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2013 và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, lượng nhập khẩu khí LNG của Trung Quốc trong tháng 4/2020 dự kiến sẽ tăng lên mức 5,84 triệu tấn, cao hơn đáng kể so với mức 4,15 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng lượng khí LNG nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2020 chủ yếu do mức nhập khẩu yếu của nước này trong những tháng đầu năm khi các hoạt động kinh tế của nước này bị đình trệ vì đại dịch Covid-19.
Lượng nhập khẩu khí LNG của Hàn Quốc hiện đang ở mức ổn định trong bối cảnh nước này kiểm soát tốt diễn biến đại dịch Covid-19. Lượng khí LNG được Hàn Quốc nhập khẩu trong tháng 4/2020 dự kiến đạt 3,44 triệu tấn so với mức 3,45 triệu tấn trong tháng 4/2019.
Giới phân tích nhận định nhu cầu sử dụng khí LNG tại khu vực Châu Á sẽ phục hồi trở lại sau khi các hoạt động kinh tế tăng trưởng trở lại, tuy nhiên, thị trường sẽ vẫn đối mặt với tình trạng dư cung trong thời gian dài. Về lý thuyết, tình trạng dư cung khí LNG có thể thúc đẩy việc chuyển đổi sử dụng than sang khí LNG trong việc cung ứng năng lượng tại các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tình trạng dư cung khí LNG và mức giá khí LNG ở mức thấp kỷ lục sẽ ảnh hưởng triển vọng dài hạn của nhu cầu sử dụng than nhiệt lượng cao. Than nhiệt lượng cao cũng đang vấp phải nhiều rào cản khi các nền kinh tế đang hướng đến việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện hơn với môi trường.