Mức giá trung bình của khí thiên nhiên hoá lỏng LNG giao tháng 6/2020 đến khu vực Đông Bắc Á (LNG-AS) trong ngày 17/4 đạt 2,30 USD/mmBtu, giảm 0,20 USD/mmBtu so với tuần trước. Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy mức giá hiện nay đã giảm 50% so với hồi tháng 6/2019.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng LNG tại khu vực Châu Á sụt giảm; trong khi đó, mức dự trữ khí gas và khí LNG trên toàn cầu hiện đều ở mức cao.
Hãng tin Reuters dẫn lời một thương nhân giao dịch khí LNG cho biết giá khí LNG trên thị trường chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh các đối tác tiêu thụ khí LNG lớn thông thường hiện giảm nhu cầu mua vào; thậm chí, một số nhà mua hàng đang cố gắng huỷ bỏ đơn hàng, khiến các lô hàng đang trên đường giao phải chuyển hướng hoặc trôi nổi trên biển chờ người mua mới. Số lượng người bán trên thị trường khí LNG cũng đang tăng lên.
Theo các nguồn tin của hãng Reuters, trong một phiên đấu thầu tuần này, nhà máy sản xuất khí LNG Ichthys tại Australia đã bán một lô khí LNG giao tháng 5/2020 với mức giá dưới 2 USD/mmBtu (giá FOB). Một nhà máy khí LNG tại Brunei cũng đã bán một lô khí LNG giao tháng 6/2020 với mức giá 2,30 USD/mmBtu (giá FOB) và một lô khí LNG khác giao đầu tháng 5/2020 với mức giá 2,10 USD/mmBtu (giá DES).
Nhà máy khí LNG Tangguh tại Indonesia đang chào hàng 5 lô khí LNG giao từ tháng 5 – tháng 7/2020. Bên cạnh đó, tập đoàn dầu khí quốc doanh Indonesia Pertamina cũng đang tìm kiếm người mua cho 2 lô khí LNG giao tháng 6/2020.
Việc giá khí LNG chạm mức thấp kỷ lục cũng đã thu hút một số nhà mua hàng tăng cường mua dự trữ. Tập đoàn năng lượng quốc doanh Thổ Nhĩ Kỳ Botas cho biết đang tìm kiếm nhà cung cấp cho 7 lô khí LNG giao từ tháng 5 đến tháng 6/2020. Tập đoàn dầu khí Kuwait (KPC) cũng dự kiến mua 1 lô khí LNG giao tháng 5/2020. Trong khi đó, tập đoàn năng lượng Đức EnBW EBKG.DE cho biết đang tìm mua 4 lô khí LNG giao đến khu vực Tây Bắc Châu Âu trong quý 3/2020.
Đáng chú ý, giới giao dịch trên thị trường khí LNG cho biết nhu cầu sử dụng của Trung Quốc đang dần phục hồi về mức bình thường trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng khí LNG của Ấn Độ cũng có thể sẽ gia tăng trở lại sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phong toả ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh tại một số khu vực trong tuần tới.
Nhu cầu sử dụng khí LNG từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ khí LNG lớn nhất thế giới, đã giảm mạnh trong thời gian gần đây do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cũng như suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế yếu hơn so với các giai đoạn trước đã khiến tiến trình chuyển đổi nguồn cung năng lượng từ than sang khí đốt của Trung Quốc diễn ra chậm lại, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng khí đốt trong các hoạt động công nghiệp và dân dụng.