Thứ Hai – 13/4
Trải qua 4 ngày đàm phán căng thẳng giữa các bên, liên minh OPEC+ gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lớn nhất lịch sử, lên tới 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020. Đây là nỗ lực lớn nhất của liên minh OPEC+ nhằm cứu vãn thị trường dầu mỏ trước các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Mức cắt giảm của liên minh OPEC+ tương đương gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Mặc dù không tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+, một số quốc gia khai thác dầu thô lớn trên thế giới như Hoa Kỳ và Canada cho biết sản lượng khai thác cũng đã giảm xuống khi các doanh nghiệp khai thác thu hẹp quy mô hoạt động.
Ước tính tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu trên toàn cầu lần này sẽ đạt 19,5 triệu thùng/ngày – tương đương 20% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo mức cắt giảm này là chưa đủ và quá muộn để giải cứu thị trường dầu mỏ do nhu cầu sử dụng dầu thô trong tháng 4/2020 sẽ giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày. Đồng thời, tình trạng dư cung lên tới 12 triệu thùng/ngày vẫn đang diễn ra và sẽ nhanh chóng khiến các kho chứa dầu trên toàn cầu bị lấp đầy, gia tăng áp lực giảm lên giá dầu thô.
Thứ Ba – 14/4
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cảnh báo nước Anh có thể đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 300 năm trở lại đây nếu các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại nước này kéo dài đến mùa hè tới đây.
Ông Rishi Sunak cho biết GDP của nước Anh có thể giảm mạnh từ 25% - 30% trong quý 2/2020 và số người thất nghiệp tăng mạnh lên mức 3,4 triệu người, tương đương 10% dân số trong quý 2/2020. Lời cảnh báo của ông Rishi Sunak được đưa ra khi Chính phủ Anh ngày càng chịu sức ép lớn hơn trong việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để giảm bớt các thách thức kinh tế.
Theo một bộ trưởng của Anh, nước này đang xem xét kéo dài thời gian áp dụng lệnh phong tỏa thêm ba tuần nữa nhằm ngăn chăn sự lây lan của dịch bệnh và sau đó có thể bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa.
Theo Cơ quan Quản lý Ngân sách Anh (OBR), ước tính ban đầu cho thấy sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến nợ công của nước này tăng vọt lên mức 273 tỷ EUR trong tháng 3/2020 tương đương 14% tổng GDP – mức thâm hụt ngân sách mạnh nhất trong một năm kể từ Thế chiến II.
Thứ Tư – 15/4
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới 2020 mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ trải qua đợt khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi năm 1930 với việc GDP toàn cầu sẽ giảm 3% nếu như đại dịch Covid-19 kéo dài đến hết quý 3/2020. Trước khi dịch bệnh bùng phát vào hồi tháng 1/2020, IMF từng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng 3,3% trong năm 2020.
Ông Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết tác động của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra lần này sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
IMF dự báo đại dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh tại hầu hết các nước trong quý 2/2020 và giảm dần vào nửa cuối năm, đồng thời các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế di chuyển hay phong toả sẽ dần được gỡ bỏ. Nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2021, cao hơn mức dự báo 3,4% được đưa ra hồi tháng 1/2020.
IMF cho biết tổ chức này đã nhận được yêu cầu hỗ trợ tài chính khẩn cấp nhiều chưa từng có trong lịch sử trước các tác động kinh tế nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, với hơn 90 trong 189 thành viên của tổ chức cần giúp đỡ tài chính.
Thứ Năm – 16/4
Thủ tướng Đức Angela Merkel mới cho biết sẽ kéo dài các biện pháp phong toả nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại nước này cho đến ngày 3/5.
Chính phủ Đức đang thảo luận các biện pháp để tái khởi động nền kinh tế trở lại sau khi thời gian phong toả chấm dứt. Theo đó, các cửa hàng nhỏ sẽ được phép hoạt động kể từ tuần tới nếu như có kế hoạch phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, các trường học cũng sẽ dần được hoạt động trở lại.
Trong khi đó, các quán bar, nhà hàng và rạp chiếu phim vẫn bị đóng cửa vô thời hạn. Các sự kiện công cộng cũng sẽ bị cấm cho đến ngày 31/8. Chính phủ Đức cũng thúc giục người dân cần đeo khẩu trang khi ra ngoài mua sắm hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Bà Angela Merkel cho biết “các bước nhỏ” để tái khởi động nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), sẽ chỉ khả thi nếu như các cơ quan y tế nước này đủ sức kiểm soát dịch bệnh.
Thứ Sáu – 17/4
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra các tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp nước này vượt qua các khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Theo kế hoạch cứu trợ hiện tại, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả 300.000 Yên Nhật (2.784 USD) cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, nội các chính phủ nước này đang cân nhắc kế hoạch phát 100.000 Yên Nhật cho mỗi người dân nhằm giúp người dân chống đỡ tốt hơn trước các tác động của dịch bệnh.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm nay sẽ giảm 5,2%; đồng thời, thúc giục chính phủ Nhật Bản cần tăng cường chi tiêu công và tập trung giảm nhẹ các tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế.
Trong tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử nước này với tổng trị giá lên tới 1.000 tỷ USD; tuy nhiên, gói cứu trợ kinh tế này cần được Nghị viện Nhật Bản thông qua.