Vượt ngưỡng 10.000 USD/tấn
Trong phiên giao dịch ngày 7/5 (theo giờ Việt nam), giá kim loại đồng theo hợp đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã có lúc chạm mức 10.117,50 USD/tấn (tương đương 4,59 USD/pound) – mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Mức giá này cũng tiệm cận mức cao nhất lịch sử - 10.190 USD/tấn được thiết lập hồi tháng 2/2011. Trước đó, vào ngày 29/4 vừa qua, giá kim loại đồng cũng có lúc tăng vượt ngưỡng 10.000 USD/tấn.
Nhận định về diễn biến phiên giao dịch ngày hôm nay, ngân hàng Scotiabank (Canada) cho biết động lực tăng chủ chốt của kim loại đồng là các thông tin cho thấy Hoa Kỳ sẽ tăng cường chi tiêu công hơn nữa, bao gồm cả đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2.250 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Trong khi đó, Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu đồng lớn nhất thế giới lại đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn nền kinh tế nước này tăng trưởng quá nóng, bao gồm cả việc kiểm soát chặt thị trường bất động sản và nhà ở.
Đà tăng của giá đồng trong phiên giao dịch hôm nay cũng được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu. Điều này đã đẩy giá nhiều loại hàng hoá cơ bản như đồng vốn được định giá bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư, khiến sức mua vào đối với kim loại này tăng lên. Đồng là một trong những kim loại được sử dụng phổ biến nhất trong các ngành công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Giá đồng trên thế giới có xu hướng tăng cao liên tục kể từ giữa năm 2020 đến nay trong bối cảnh thị trường kỳ vọng việc các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng tái tạo và xây dựng nền kinh tế xanh sau đại dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu về đồng bùng nổ.
Giá đồng cũng được thúc đẩy bởi các lo ngại thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi nhiều mỏ đồng đã đi đến cuối vòng đời khai thác và mức đầu tư phát triển các mỏ đồng trong nhiều năm trở lại đây luôn ở mức thấp.
Dự báo giá đồng trong ngắn hạn
Các nhà phân tích của Scotiabank nhận định các yếu tố thúc đẩy giá đồng vượt ngưỡng 10.000 USD/tấn hiện nay hoàn toàn khác với lần tăng vọt của giá đồng cách đây 10 năm cũng như giai đoạn “siêu chu kỳ hàng hoá” hồi những năm đầu thập niên 2000.
Về phía nguồn cung, Hạ viện Chile vừa thông qua đạo luật mới gia tăng thuế đối với hoạt động khai thác đồng tại nước này. Chile hiện là quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 27% tổng lượng đồng được khai thác trên toàn cầu.
Giới phân tích nhận định nếu đạo luật mới của Chile được Thượng viện nước này thông qua thì giới đầu tư nước ngoài sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trước khi tiến hành đầu tư khai thác đồng tại nước này. Do đó giá đồng có thể tăng cao hơn nữa trong tương lai.
Trong khi đó, Peru, nước sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, đang chuẩn bị tổ chức bầu cử vào tháng 6 tới đây. Điều này đang tạo ra những bất ổn về nguồn cung trên thị trường Peru. Giới quan sát nhận định các biến động bầu cử tại Peru sẽ đẩy giá đồng tăng lên trong thời gian tới khi Peru có thể đẩy mạnh việc kiểm soát giá và tăng thuế đối với hoạt động khai khoáng.
Ông Michael Cuoco, Giám đốc phụ trách thị trường kim loại Tập đoàn tài chính StoneX Group (Hoa Kỳ), cho biết “Chúng tôi ước tính khoảng 42% tổng nguồn cung đồng toàn cầu đang chịu tác động tiêu cực từ nhiều loại rủi ro”.
Tập đoàn tài chính ANZ (Australia) đã nâng dự báo giá đồng trong ngắn hạn lên mức 10.750 USD/tấn. Trong khi đó, chiến lược gia thị trường hàng hoá Michael Widmer của tập đoàn Bank of America (Hoa Kỳ) nhận định giá đồng có thể tăng tới 13.000 USD/tấn trong bối cảnh lượng đồng dự trữ đang ở mức thấp như hiện nay.