Trong ngày 3/3, chỉ số Standard & Poor’s GSCI Index (SPGSCI), chỉ số đo lường mức biến động giá của 24 loại hàng hóa nguyên liệu thô, đã có lúc tăng 2,1% lên mức 663,48 điểm, xác lập mức cao nhất kể từ ngày 9/9/2013; vào lúc 13h34’ giờ London (20h34’ cùng ngày 3/3 giờ Việt Nam), chỉ số SPGSCI đã đạt 662,30 điểm. Giá một số loại hàng hóa đã tăng cao như giá dầu thô Brent trên thị trường London đã tăng vọt 2,8%; giá lúa mỳ trên thị trường Chicago cũng đã tăng vọt 4,7% và giá vàng giao ngay đã tăng 1,7%. Giá khí đốt và ngô cũng đã tăng lên.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số GSCI đã bật tăng trở lại được 4,4% sau khi giảm 2,2% trong năm 2013.
Ông Michael Hewson, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty CMC Markets Plc đã nhận định, giá các loại hàng hóa đang tăng vọt ở mức cao hơn do thị trường lo ngại, các nhà đầu tư đang cố găng tích trữ hàng nhằm đề phòng bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào. Thị trường cũng đã trở nên lo ngại liệu nguồn cung gas từ Nga liệu có bị gián đoạn hay không. Nga hiện là nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới; hơn một nửa lượng khí gas được Nga xuất khẩu sang Châu Âu được vận chuyển qua Ukraina.
Giá gas
Trong ngày 3/3, giá gas giao tương lai trên sàn giao dịch New York đã tăng 2,8% trong bối cảnh Ukraina ban bố lệnh tổng động viên và bão tuyết xảy ra tại Mỹ, qua đó gia tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sưởi. Giá gas giao tháng 4/2014 trên sàn giao dịch ICE Futures Europe tại London đa tăng 7,8% lên mức 10,13 USD/1 triệu BTU (BTU – đơn vị nhiệt Anh), đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/2/2014. Đây cũng là mức tăng giá lớn nhất kể từ ngày 31/10/2011.
Trong năm ngoái, 30% lượng khí gas được Châu Âu sử dụng là đến từ Nga. Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động vận chuyển khí gas của Nga qua Ukraina đến Châu Âu vẫn chưa bị gián đoạn. Vào hồi tháng 1/2009, giá ban buôn khí gas tại Châu Âu đã tăng vọt sau khi Nga ngừng cung cấp khí gas do những bất đồng với Ukraina về giá khí gas và điều khoản vận chuyển qua lãnh thổ Ukraina.
Ông Eward Meir, chuyên gia phân tích tại INTL FCStone đã nhận định, nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraina không giảm xuống thì điều này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế do giá khí đốt và dầu thô tăng cao, các lệnh cấm vận thương mại và tạo nên căng thẳng cho nền kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ tác động xấu đến tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu lúa mỳ
Giá ngô giao tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago trong ngày 3/3 đã tăng vọt 4,2% lên mức 4,8275 USD/giạ (25,4 kg) – mức cao nhất kể từ tháng 9/2013. Giá lúa mỳ cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2013.
Tình trạng căng thẳng tại Ukraina khiến thị trường lo ngại sẽ ảnh hưởng
đến hoạt động xuất khẩu lúa mỳ của nước này. Theo Hội đồng ngũ cốc quốc tế
(IGC), Ukraina có thể sẽ xuất khẩu 9,5 triệu tấn lúa mỳ trong năm 2014, tăng so
với mức 7,1 triệu tấn trong năm 2012/13.Theo ông Michael Hewso, tình hình căng thẳng tại Ukraina – nơi cung cấp lương thực chính
cho Châu Âu sẽ ảnh hưởng đến thị trường lúa mỳ.
Giá vàng
Trong ngày 3/3, giá vàng trên thị trường tương lai đã chạm mốc 1.355 USD/ounce – xác lập mức cao nhất kể từ ngày 30/10/2013. Trước đó, giá vàng đã tăng lên trong tháng 1 và tháng 2/2014; đây cũng là lần đầu tiên giá vàng có mức tăng theo tháng kể từ tháng 8/2013.
Ông Walter “Bucky” Hellwig, quản lý quỹ BB&T Wealth Management (Mỹ) đã cho biết, căng thẳng giữa Nga và Ukraina đã khiến giới đầu tư tìm kiếm các loại tài sản làm nơi trú ấn giá trị dòng vốn như vàng; sau khi giá vàng tăng vượt các ngưỡng kháng cự, giờ vàng đang trở nên hấp dẫn hơn và có xu hướng tăng cao hơn nữa.
Trong tháng 2/014, sự gia tăng giá cafe trong bối cảnh hạn hán diễn ra tại Brazil, quốc gia trồng cây cafe lớn nhất thế giới, đã khiến chỉ số S&P GSCI đã tăng 4,4% trong tháng 2/2014 – mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 7/2014.