Trung Quốc nhập khẩu đồng và quặng sắt ở mức cao kỷ lục trong tháng 1/2014

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lượng đồng và quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 1/2014 đã tăng cao lên mức kỷ lục trong bối cảnh các công ty nước này sử dụng đồng và quặng sắt làm tài

Lượng đồng tinh luyện được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 1/2014 đã tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận do nhu cầu sử dụng đồng của các công ty Trung Quốc làm tài sản thế chấp để được cấp tín dụng tăng lên, qua đó gia tăng lượng đồng được nhập khẩu.

Theo một báo cáo của Tổng cục hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 12/2, lượng đồng thô và các sản phẩm bằng đồng được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 1/2014 đã tăng 53% so với cùng kỳ năm 2013, lên mức 536.000 tấn; con số này cao hơn 21% so với tháng 12/2013 – theo số liệu của hãng tin Bloomberg.

Việc nhu cầu nhập khẩu đồng của Trung Quốc tăng cao hơn có thể giúp giảm bớt tình trạng dư cung đồng và gia tăng giá đồng trên thị trường tương lai. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá đồng giao tương lai trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã giảm 3,3; trong năm 2013, giá đồng đã giảm 7,2%.

Ông Lian Zheng, trưởng ban nghiên cứu kim loại tại công ty Xinhu Futures Co. (Trung Quốc) đã nhận định: “Việc lượng đồng được nhập khẩu vào Trung Quốc rất có khả năng do các công ty cần có tài sản thế chấp để nhận được tín dụng. Đồng vẫn là lựa chọn hàng đầu trong số các loại hàng hóa để các công ty Trung Quốc nhận được tín dụng cho dù các giao dịch này được giám sắt chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý”.

Trong ngày 20/1, lãi suất trên thị trường tiền tệ Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ hồi tháng 6/2013. Vào tháng 12/2013, cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc đã cho biết các ngân hàng Trung Quốc cần ngăn chặn các công ty Trung quốc tiếp cận nguồn vốn tín dụng dựa trên các giao dịch giả và cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc sẽ gia tăng giám sát để ngăn chặn các dòng chảy ngoại tệ bất thường tại Trung Quốc.

Trong ngày 12/2, giá đồng giao tháng 4/2014 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đã có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 30/1 và được giao dịch tại mức 50.550 NDT (8.339 USD)/tấn vào lúc 11h29’ giờ Thượng Hải (10h29’ cùng ngày 12/2 giờ Việt Nam). Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME đã tăng 0,6% lên mức 7.115,25 USD/tấn.

Quặng sắt

Lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 1/2014 cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục do các nhà nhập khẩu sử dụng quặng sắt làm tài sản thế chấp để vay vốn. Theo Tổng cục hải quan Trung Quốc, trong tháng 1/2014, lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu đã đạt 86,83 triệu tấn, tăng so với mức 73,38 triệu tấn trong tháng 12/2013 và 65,54 triệu tấn trong tháng 1/2013.

Theo số liệu của Shanghai Steelhome Information Technology Co., tính đến ngày 7/2, lượng quặng sắt được dự trữ tại các cảng thuộc Trung Quốc đã tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013 lên mức 97,25 triệu tấn – gần bằng mức cao kỷ lục 100,1 triệu tấn vào hồi tháng 7/2012.

Ông Xu Xiangchun, chuyên gia phân tích trưởng của hãng nghiên cứu Mysteel.com đã nhận định, hiên giá thép đã giảm mạnh và nhu cầu sử dụng thép vẫn ở mức thấp do đó lý do duy nhất khiến lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu tăng lên là các công ty nhập khẩu sử dụng quặng sắt làm tài sản thế chấp để có được vốn vay.

Giá thanh cốt thép trên sàn SHFE đã đạt mức 3.390 NDT (559 USD)/tấn vào lúc 11h30 giờ Thượng Hải (10h30’ cùng ngày 12/2 giờ Việt Nam), tiệm cận mức thấp nhất trong vòng 17 tháng trở lại đây. Theo The Steel Index Ltd, giá quặng sắt loại hàm lượng sắt 62% giao tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc), trong ngày 11/2, đã giảm 0,7% xuống còn 120 USD/tấn khô – xác lập mức thấp nhất kể từ ngày 2/7/2013.

Trong một báo cáo được công bố vào hồi tháng 1/2014, tập đoàn Goldman Sachs Group đã cho biết giá quặng sắt có thể sẽ thay đổi vào cuối quý I/2014 do sản lượng tăng lên và dự báo giá quặng sắt sẽ đạt mức trung bình 108 USD/tấn trong năm 2014.

Trong năm 2013, Trung Quốc đã nhập khẩu quặng sắt ở mức kỷ lục với 820 triệu tấn do nhu cầu sử dụng thép cho ngành công nghiệp ô tô và xây dựng tăng lên; Trung Quốc hiện nhập khẩu tới 60% sản lượng quặng sắt trên toàn cầu.