Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Bắc
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc giảm 1.000 đồng/kg ở một vài nơi, dao động trong khoảng 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg giá heo hơi tại Lào Cai, Nam Định, Thái Bình và Vĩnh Phúc cùng giảm 1.000 đồng/kg cùng về mức 58.000 đồng/kg, ngang với Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình và Tuyên Quang.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định ở mức 59.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 53.000 - 57.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Quảng Trị, Quảng Nam và Khánh Hòa về mức 53.000 đồng/kg, ngang với Bình Định sau khi giảm 2.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Đắk Lắk giảm 1.000 đồng/kg, xuống mức 54.000 đồng/kg, ngang với Bình Thuận sau khi giảm 3.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam cũng giảm rải rác 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 52.000 - 56.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Long An và Cần Thơ cùng xuống còn 54.000 đồng/kg.
Cùng mức giảm trên, giá heo hơi tại Đồng Nai về mức 56.000 đồng/kg, ngang với Bình Dương - mức cao nhất khu vực.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định. Trong đó, mức giao dịch thấp nhất là 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bến Tre; các địa phương khác dao động trong khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg.
Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật vào Việt Nam
Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm diễn ra phức tạp làm dấy lên nỗi lo ảnh hưởng tiêu cực ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu không siết kiểm chặt chẽ thì người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước cầm chắc thua trên chính sân nhà.
Số liệu thống kê của thanh tra ngành nông nghiệp cho thấy, trong năm 2023, lực lượng chức năng đã bắt 131 vụ, thu giữ khoảng 160.000 con gia súc, gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên, số lượng thịt nhập lậu trong thực tế có thể lên tới hàng triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, lợn sống nhập lậu về Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, trong nửa đầu tháng 1/2024 rung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và biên giới Tây Nam.
Trước tình hình đó, ngày 31/1, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký công điện số 12/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển... để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản vào Việt Nam.
Ngoài ra, chỉ đạo lực lượng liên quan tăng cường đấu tranh, ngăn chặn nhập lậu; thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc kiểm soát; tổ chức tuyên truyền cho người dân về tác hại của vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật...
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định về nhập khẩu để đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho nhập khẩu chính ngạch động vật, sản phẩm động vật...
Ngoài ra, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh... có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần chỉ đạo lực lượng liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới...
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.