Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Bắc
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc ổn định so với cuối tuần trước, dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Tính chung trong tuần qua, giá heo hơi tại miền Bác tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá heo hơi tại Bắc Giang và Vĩnh Phúc tăng 2.000 đồng/kg, lên mức cao nhất khu vực là 52.000 đồng/kg.
Mức giao dịch thấp nhất khu vực được ghi nhận tại tỉnh Ninh Bình là 50.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Yên Bái và Thái Bình ổn định ở mức 51.000 đồng/kg, ngang bằng với các địa phương còn lại sau khi tăng 1.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên đi ngang, dao động trong khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Tính chung trong tuần qua, giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắk Lắk và Ninh Thuận hiện đang neo trong khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo hơi tại Hà Tĩnh tăng 2.000 đồng/kg, lên mức 49.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam cũng ổn định so với cuối tuần trước, dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg.
Tính chung trong tuần qua, giá heo hơi tại miền Nam tăng giảm trái chiều từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá heo hơi tại Đồng Tháp và Cần Thơ cùng giảm 1.000 đồng/kg, về mức 49.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo hơi tại Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre và Sóc Trăng cùng tăng 2.000 đồng/kg, lên giao dịch trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg, tùy từng địa phương.
Giá heo hơi tại Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Trà Vinh cùng tăng 1.000 đồng/kg, lên giao dịch trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định.
Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Năm 2023, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ước đạt 6,8 tỷ USD
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, ước tính cả năm 2023, nước ta nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương 6,8 tỷ USD, chưa bao gồm nguyên liệu nguồn gốc từ động vật).
Trong đó, một số nguyên liệu nhập khẩu chính gồm: Ngô hạt 7 triệu tấn (tương đương 2,1 tỷ USD); khô dầu các loại 4,9 triệu tấn (tương đương 2,4 tỷ USD); lúa mì và lúa mạch 1,4 triệu tấn (tương đương 453 triệu USD); DDGS (bã rượu khô) 1,15 triệu tấn (tương đương 394 triệu USD); cám các loại 474 nghìn tấn (tương đương 110 triệu USD); tấm và gạo 414 nghìn tấn (tương đương 145 triệu USD); đậu tương hạt 343 nghìn tấn (tương đương 226 triệu USD); thức ăn bổ sung 527 nghìn tấn (tương đương 574 triệu USD).
Năm 2023, sản lượng thức ăn công nghiệp ước đạt 20 triệu tấn (giảm 2,4% so với năm 2022). Trong năm 2023, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính đều giảm so với năm 2022. Cụ thể: ngô hạt 7,76 nghìn đồng/kg (giảm 12,5%); khô dầu đậu tương 14,1 nghìn đồng/kg (giảm 3,1%); DDGS 9,24 nghìn đồng/kg (giảm 7,6%); cám mì 6,87 nghìn đồng/kg (giảm 1,9%); cám gạo chiết ly 6,19 nghìn đồng/kg (giảm 1,7%).
Mặc dù có giảm so với năm 2022, tuy nhiên giá các nguyên liệu chính trong năm 2023 vẫn cao hơn từ 32,4% đến 45,6% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020).
Cũng theo Cục Chăn nuôi, mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trung bình cả năm 2023 giảm so với năm 2022, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho heo và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7 - 3,5% so với năm 2022.
Nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm giá kể từ tháng 6/2023 đến nay (khoảng 6 đợt điều chỉnh giảm giá nhưng mức giảm mỗi đợt không nhiều). Chẳng hạn, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cho heo vẫn cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020).
Theo các chuyên gia, thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng do nhu cầu về thịt và các sản phẩm từ sữa ngày càng tăng cao. Cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo tăng trưởng và năng suất.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam phần lớn đến từ nhập khẩu nước ngoài - ước tính chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước, đặc biệt theo các chuyên gia ngành thức ăn chăn nuôi dòng nguyên liệu họ đạm thực vật phải nhập khẩu chiếm gần 90%, như đậu tương là gần 100%.