Vào lúc 8h49 sáng nay (ngày 19/2, theo giờ Việt Nam), giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 0,4% xuống 5,64-1/4 USD/giạ (27,2 kg).
Trong phiên giao dịch hôm qua, giá lúa mì đã tăng mạnh 4,4% lên 5,70-3/4 USD/giạ - mức cao nhất kể từ ngày 29/1/2020 sau dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2019/2020 của Australia sẽ chạm mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua do hạn hán nghiêm trọng.
Trên sàn CBOT, giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất tăng 0,1% lên 8,93-1/2 USD/giạ (27,2 kg). Trong khi đó, giá ngô giảm 0,3% xuống 3,82 USD/giạ (25,4 kg). Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá đậu tương giảm 0,2% và giá ngô tăng 1,4%.
Giá đậu tương trên thị trường Hoa Kỳ hiện đang chịu áp lực giảm trong bối cảnh dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2019/2020 của Brazil đạt mức cao kỷ lục 125,6 triệu tấn, khiến nguồn cung đậu tương trên thị trường quốc tế tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu về đậu tương Hoa Kỳ hiện ở mức yếu. Brazil hiện là đối thủ cạnh tranh lớn với Hoa Kỳ trên thị trường đậu tương.
Số liệu mới được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố ngày 18/2 cho thấy lượng đậu tương được thông quan xuất khẩu trong tuần kết thúc vào ngày 13/2 chỉ đạt 992.294 tấn. Con số này bao gồm 203.165 tấn xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm so với mức 404.420 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc hiện là đối tác nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra, các doanh nghiệp Trung Quốc đã dần thay thế nguồn cung đậu tương từ Hoa Kỳ sang phía Brazil.
Sự bùng phát của dịch virus Covid-19 tại Trung Quốc có thể khiến nhu cầu nhập khẩu đậu tương Hoa Kỳ của Trung Quốc sẽ giảm xuống bất chấp việc hai nước đã đạt được thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/1 vừa qua. Theo thoả thuận này, Trung Quốc sẽ phải gia tăng mua thêm 32 tỷ USD nông sản từ Hoa Kỳ trong vòng 2 năm.