Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 7/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giảm nhẹ 0,48% xuống mức 7,84 USD/giạ (25,4 kg/giạ). Giá đậu tương giao tháng 7/2022 cũng giảm 0,44% xuống còn 17,02 USD/giạ (27,2 kg/giạ). Trong khi đó, giá lúa mì giao tháng 7/2022 giảm mạnh tới 4,08% xuống chỉ còn 10,34 USD/giạ (25,4 kg/giạ).
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết việc xuất khẩu ngô của Brazil trong tháng đầu năm nay tăng mạnh hơn cùng kỳ năm ngoái và dự báo lượng xuất khẩu trong tháng 6 sẽ cao hơn 50% so với trong tháng 5 đã tạo áp lực tiêu cực lên giá ngô trên thị trường quốc tế. Đối với mặt hàng đậu tương, sản lượng nghiền ép đậu tương tại Trung Quốc ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp đang tác động xấu đến triển vọng nhu cầu sử dụng đậu tương của nước này.
Đối với mặt hàng ngô, dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy hoạt động canh tác ngô niên vụ này tại Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn cuối, hiện 97% diện tích canh tác ngô của nước này đã được xuống giống, tăng 3% so với một tuần trước đây.
Sản lượng ethanol của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng lên mức 1,06 triệu thùng/ngày trong bối cảnh giá xăng tại nước này chạm mức cao kỷ lục, giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất xăng sinh học. Tính toán cho thấy hoạt động tinh chế ethanol này tiêu thụ tương ứng khoảng 2,73 triệu tấn ngô, tăng so với mức 2,68 triệu tấn ngô của một tuần trước đó.
Các dữ liệu cũng cho thấy xuất khẩu ngô của Brazil trong tháng 5 đạt 1,2 triệu tấn. Tính chung cả 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ngô của nước này đạt 5,4 triệu tấn, tăng mạnh 3,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng nghiên cứu thị trường Cargonave (Brazil) dự báo xuất khẩu ngô của Brazil trong tháng 6 có thể đạt tới 1,7 triệu tấn.
Tại Ukraine, bất chấp các khó khăn do xung đột quân sự đang diễn ra tại đây, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine cho thấy diện tích gieo trồng ngô năm nay của nước này đạt 4,6 triệu ha, tương đương 85% của năm ngoái. Tuy nhiên thách thức lớn nhất của Ukraine trong thời gian tới là việc cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân, bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng như đảm bảo hoạt động xuất khẩu ra thị trường quốc tế khi các cảng xuất khẩu chính tại khu vực Biển Đen vẫn đang bị phong toả.
Đối với mặt hàng đậu tương, Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu ăn Quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) cho biết sản lượng nghiền ép đậu tương tại Trung Quốc trong tuần trước chỉ đạt 1,63 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo của giới phân tích và đánh dấu tuần sụt giảm thứ 4 liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu do biên lợi nhuận từ việc nghiền ép đậu tương ở mức thấp.
Tương ứng với đó là sự gia tăng lượng đậu tương tồn trữ tại nước này. Tồn kho đậu tương tại Trung Quốc trong tuần trước hiện đạt 6,14 triệu tấn, tăng mạnh 0,68 triệu tấn so với một tuần trước đó.
Trong khi đó, tại Brazil, xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 5 vừa qua chi đạt 10,6 triệu tấn, giảm tới 4,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu đậu tương từ Trung Quốc suy yếu. Hãng Cargonave dự báo lượng đậu tương xuất khẩu của Brazil trong tháng 6 sẽ đạt 10,8 triệu tấn, thấp hơn khoảng 0,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu của USDA cho thấy tiến độ canh tác đậu tương tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã đạt 88%, tăng mạnh so với mức 78% của một tuần trước đó và tương đương mức trung bình của 5 năm gần đây. Diện tích đậu tương nảy mầm cũng đạt 70%, tăng vọt so với mức 56% ghi nhận của một tuần trước đó nhưng thấp hơn mức trung bình 74% của 5 năm gần đây.
Trên thị trường dầu thực vật, ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia có thể thiệt hại hàng tỷ USD do thiếu hụt trầm trọng lao động nhập cư làm việc tại các đồn điền dầu cọ, khiến các nhà máy không thể đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Malaysia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới, sau Indonesia. Trong giai đoạn vừa qua, việc thiếu hụt nguồn cung dầu cọ từ Malaysia và Indonesia đã khiến nhu cầu đối với các loại dầu ăn thay thế như dầu đậu nành tăng lên, kéo theo đó là giá của mặt hàng này.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.
Đối với mặt hàng lúa mì, Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã xuất khẩu 310.000 tấn lúa mì trong tuần kết thúc vào ngày 12/6; tính từ đầu niên vụ 2021/2022 đến nay, EU đã xuất khẩu được 25,9 triệu tấn lúa mì.
Giới quan sát cũng cho biết Argentina chưa thể tận dụng được khoảng trống do Ukraine để lại trên thị trường lúa mì do tình trạng thời tiết cực đoan La Nina tại Argentina. Sở giao dịch ngũ cốc Bueno Aires (Argentina, BAGE) dự báo sản lượng lúa mì của nước này trong niên vụ 2022/2023 chỉ đạt 20,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 22,4 triệu tấn trong niên vụ 2021/2022. BAGE cảnh báo dự báo sản lượng có thể sẽ phải điều chỉnh thấp hơn do tình trạng hạn hán gây ra bởi hiện tượng La Nina trong thời gian tới.
Giá lúa mì thế giới trong giai đoạn vừa qua đã neo ở mức cao do tình trạng gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung từ Ukraine và các quốc gia khác tại khu vực Biển Đen khi Nga phong toả các cảng biển tại khu vực này.
Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.
- Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
- Website: https://saigonfutures.com
- Hotline: 0903.352.961