Giá ngũ cốc trên sàn CBOT đồng loạt tăng khi nhu cầu ngũ cốc trên toàn cầu ở mức tốt

Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết giá các loại ngũ cốc trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã đồng loạt tăng trong phiên giao dịch cuối tuần này (26/8) nhờ nhu cầu về ngũ cốc trên toàn cầu tiếp tục ở mức tốt.
Giá ngô trên sàn CBOT
 Diễn biến giá ngô giao tháng 12/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago trong 3 tháng gần đây (Nguồn: barchart.com)

 

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 26/8 (theo giờ địa phương), giá ngô giao tháng 12/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng 2,19% lên 6,64 USD/giạ (25,4 kg/giạ).

Giá đậu tương giao tháng 11/2022 cũng tăng 2,1% lên 14,61 USD/giạ (27,2 kg/giạ). Giá lúa mì tăng 1,95% lên 7,84 USD/giạ (25,4 kg/giạ)

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh, cho biết giá các loại nông sản trên sàn CBOT đã được hỗ trợ khi dữ liệu cho thấy nhu cầu vẫn ở mức tốt. Một số chuyên gia nhận định ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9 tới đây nhằm kiểm soát lạm phát thì mức độ ảnh hưởng của việc này đến diễn biến giá các loại ngũ cốc trên thị trường hàng hoá phái sinh sẽ bị hạn chế phần nào khi nguồn cung nhiều loại ngũ cốc trên thị trường giao ngay vẫn đang trong tình trạng căng thẳng.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường ngũ cốc thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Tiến độ thu hoạch ngô Brazil
 Tiến độ thu hoạch ngô vụ Safrinha của Brazil từ tháng 5/2022 đến giữa tháng 8/2022 (Nguồn: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt hàng ngô, hãng tư vấn thị trường Agrural (Brazil) cho biết, tính đến ngày 18/8, tiến độ thu hoạch ngô vụ Safrinha (vụ chính) tại khu vực Trung -  Nam Brazil đã đạt 89,5%, tăng 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tiến độ xuống giống của niên vụ 2022/2023 tại Brazil mới chỉ đạt 1,8% tổng diện tích ước tính, thấp hơn nhiều so với mức 4,1% của cùng kỳ năm ngoái. Theo Agrural, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng lạnh giá tại một số vùng phía Nam của Brazil.

Dữ liệu của Chính phủ Brazil cho thấy, trong tuần thứ ba của tháng 8, nước này đã xuất khẩu được 4,7 triệu tấn ngô, tăng so với mức 4,3 triệu tấn của toàn tháng 8/2021. Dự kiến, lượng ngô xuất khẩu của Brazil trong tháng 8 này sẽ đạt 7,8 triệu tấn.

Trong khi đó tại Argentina, Sở giao dịch Ngũ cốc Bueno Aires cho biết vụ thu hoạch ngô tại nước này đã chính thức hoàn tất vào ngày 25/8 với sản lượng đạt 52 triệu tấn, tương đương với mức dự báo được đưa ra trước đây. Tuy nhiên, mức sản lượng này thấp hơn năm ngoái đến 3 triệu tấn, chủ yếu do năng suất canh tác trung bình suy giảm.

Đối với mặt hàng đậu tương, chuyên gia phân tích thị trường Eduardo Vanin thuộc hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh Agrinvest Commodities (Brazil) cho biết "Nhu cầu trên thị trường đối với đậu tương của Hoa Kỳ vẫn đang ở mức cao so với đậu tương Brazil do đậu tương Hoa Kỳ có mức giá cạnh tranh hơn".

Bên cạnh đó, sản lượng nghiền ép đậu tương tại Trung Quốc đang dần tăng lên, sẽ thúc đẩy nhu cầu về đậu tương trên thị trường quốc tế. Theo ước tính của hãng tư vấn đầu tư thị trường nông sản Patria Agrinegocios (Brazil), Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu từ 13 – 15 triệu tấn đậu tương trong vòng 90 ngày tới đây. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Sản lượng nghiền đậu tương tại Trung Quốc
 Sản lượng nghiền ép đậu tương và lượng tồn kho khô đậu tương tại Trung Quốc theo tuần (Nguồn: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Dữ liệu mới nhất của Chính phủ Trung Quốc cho thấy sản lượng nghiền ép đậu tương tại nước này trong tuần vừa qua đạt 1,73 triệu tấn, tăng nhẹ so với dự báo của thị trường. Tồn kho đậu tương cũng giảm khoảng 10.000 tấn xuống còn 5,59 triệu tấn. Con số này thấp hơn đến 1,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Tồn kho khô đậu tương tại Trung Quốc cũng ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp khi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nước này tăng tốc thu mua.

Tại Argentina, chính phủ nước này hiện đang xem xét việc gia tăng tỷ lệ pha trộn xăng sinh học vào nhiên liệu lên mức 12,5%. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo nếu tỷ lệ pha trộn này được phê duyệt trong vòng 60 ngày tới thì nhu cầu tiêu thu đậu tương của Argentina trong năm nay sẽ đạt 1,85 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Argentina hiện dự báo con số này có thể lên đến 2 triệu tấn.  

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.

Xuất khẩu lúa mì của EU
 Diễn biến xuất khẩu lúa mì của EU qua các tuần (Nguồn: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

 

Đối với mặt hàng lúa mì, dữ liệu của Uỷ ban châu Âu (EC) cho thấy lượng lúa mì được Liên minh châu Âu (EU) xuất khẩu trong tuần kết thúc vào ngày 21/8 đạt 123.759 tấn. Luỹ kế xuất khẩu từ đầu niên vụ đến nay đạt 3,75 triệu tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu lúa mì niên vụ 2022/2023 của Argentina trong tuần kết thúc vào ngày 17/8 chỉ đạt 9.000 tấn, giảm 75% so với một tuần trước đó. Luỹ kế xuất khẩu lúa mì cho niên vụ 2022/2023 của Argentina hiện chỉ đạt 5,19 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com
  • Hotline: 0903.352.961
Duy Quang