Một nhà kinh tế nổi tiếng của Việt Nam đã lo lắng: “Chúng ta phải tránh một sự bất ngờ khác của cơn bão WTO có thể bất ngờ ập đến đối với bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa… Hãy cung cấp thông tin, hãy cải cách, hãy hành động kiên quyết và kịp thời. Trách nhiệm trước dân tộc không cho phép lặp lại một lần nữa thảm họa về sự thiếu thông tin, thiếu chuẩn bị, thiếu hành động, thiếu chỉ huy như tại cơn bão Chanchu vừa qua, mặc dù bộ máy không thiếu ban nọ, cục kia. Sự trả giá quá đắt sẽ không lặp lại một lần nữa ở một lĩnh vực khác”.
Đúng thế, thực chất của hội nhập chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Những thỏa thuận vừa mới đạt được chỉ là bề nổi, chỉ là những vật cản trước mắt trên lộ trình hội nhập. Trước mắt chúng ta còn bao nhiêu thách thức cần phải vượt qua, nếu không chuẩn bị kỹ sẽ thất bại. Cũng như một con tàu, khi ra biển lớn sẽ thênh thang hơn nhưng cũng không ít sóng gió. Cùng với việc có nhiều sự lựa chọn hơn là việc làm thế nào để định vị cho nền kinh tế đi đúng hướng, nếu không cẩn thận sẽ lạc đường.
Người ta hay nói đến cơ hội và thách thức và cho rằng, Việt Nam gia nhập WTO cơ hội/thách thức là 50/50. Tỉ lệ này là khá tù mù, vì thế nào là được, thế nào là mất, cơ hội là gì và thách thức là gì, tất cả chỉ được từng người, từng doanh nghiệp, từng tổ chức xác định. Cái mà người này cho là được thì có thể lại bị người khác cho mất. Và cái tưởng như là mất lại có thể hóa ra rất tốt.
Như thế, tỉ lệ này phụ thuộc vào nhận thức của chúng ta, vào những thông tin chúng ta nhận được. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt thì tỉ lệ có thể là 65/45, 70/30 hay còn cao hơn nữa và cũng có thể ngược lại.
1- Những cái được mà WTO mang lại.
Cánh cửa vào WTO sắp mở ra. Nghĩa là VN dù muộn cũng sắp được đứng chung với 150 nước trên thế giới để sử dụng một luật chơi thương mại chung, sử dụng một bộ tiêu chuẩn chung về an toàn, vệ sinh, lao động... mà nhiều nước nghèo nàn và lạc hậu hơn VN đã áp dụng từ lâu. Vào WTO nghĩa là hội nhập với thế giới, nghĩa là quyết tâm hội nhập với thế giới.
WTO mang lại nhiều cơ hội cho VN, nhất là cho người tiêu dùng, khách hàng và lao động VN... Đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, sơ chế hoặc chế biến nông sản, mở mang những vùng đất hoang hóa, sản xuất những sản phẩm nông nghiệp độc đáo mà họ đang có thị trường. Vào WTO, khối DN nhà nước sẽ chuyển đổi nhanh. Như Bộ trưởng Bộ BC-VT đã nói với báo chí: “Với việc gia nhập WTO, lĩnh vực BCVT trong nước có điều kiện phát triển mạnh, nhiều khách hàng hơn, thì sẽ có điều kiện để giảm giá thành dịch vụ xuống. Đồng thời, khi có sự cạnh tranh của các DN nước ngoài, nhất là các DN viễn thông lớn có nhiều kinh nghiệm, các DN trong nước cũng sẽ “trưởng thành” thêm lên. Và như vậy, chất lượng dịch vụ cũng sẽ được nâng cao. Khách hàng sẽ được hưởng lợi, các dịch vụ viễn thông sẽ nâng cao chất lượng hơn, phong phú đa dạng hơn...”.
Phải thấy rằng, chính sức ép từ quá trình hội nhập, ngoài việc tạo áp lực để các DN phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, còn tạo động lực để đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách của VN với những cam kết mới, bộ máy nhà nước sẽ buộc phải đổi mới, phải cải cách mạnh mẽ để có thể đáp ứng được các cam kết đó.
Nhiều người cho rằng, cái được lớn nhất khi Việt Nam gia nhập WTO là những chính sách của Nhà nước về kinh tế không thể tùy tiện, muốn gì thì làm thế. Cụ thể, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 126/2006/QĐ-TTg chấm dứt hiệu lực Quyết định 55/2001/QĐ-TTg, về phát triển ngành Dệt may, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các ngành, các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu việc gia nhập WTO.
Nên cái “được”, nếu phải suy nghĩ, chính là tinh thần cải cách và mở cửa của một đất nước từng suýt lâm vào khủng hoảng bởi đóng cửa và trông chờ vào các khoản viện trợ. Gia nhập WTO nghĩa là các nhà lãnh đạo VN không quay lưng lại với toàn cầu hóa, không từ chối cải cách và mở cửa.
Một trong những nguyên tắc căn bản của WTO là hệ thống luật pháp của các nước thành viên phải phù hợp với những nguyên tắc của WTO. Điều này buộc VN phải có những thay đổi căn bản đối với hệ thống luật pháp của mình.
2- Những thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO
Những nhà kinh tế của TP.HCM thì lo ngại, TP.HCM với quy mô quá lớn, nhiều doanh nghiệp nhất nước, nhiều ngành nghề, khối lượng công nghiệp cao ( tổng khối lượng chiếm đến 30% của cả nước), nên những vấn đề của hội nhập và cạnh tranh sẽ tập trung cao nhất ở thành phố này. Hàng tiêu dùng chiếm 36% cả nước, nên trên lĩnh vực bán lẻ và các dịch vụ, TP.HCM sẽ là nơi phải đối đầu với cạnh tranh lớn nhất. Khó khăn nhất là lĩnh vực liên quan đến chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Các yêu cầu chuẩn mực của WTO về lĩnh vực này rất cao. Nó đòi hỏi vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn, quy trình công nghệ… Trong khi đó thói quen sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu. Chắc chắn sẽ xảy ra kiện tụng liên miên, và các nước sẽ sử dụng biện pháp chế tài với chúng ta.
Một thực tế đáng lo ngại là khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn, nếu không tích cực chuẩn bị sẽ rất nguy. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa đổi mới được bao nhiêu. Một số giám đốc doanh nghiệp chưa đủ tầm, coi việc hội nhập như việc của người khác. Một số có tầm, muốn đổi mới nhưng bị ràng buộc bởi nhiều lý do nên buông xuôi.
Trong khi đó, khi gia nhập tổ chức này, chúng ta sẽ phải thực thi tất cả cam kết với các thành viên WTO, điều này đồng nghĩa với việc cải cách bộ máy hành chính trong nước.... Với các doanh nghiệp VN, do chưa được thông tin đầy đủ nên không phải ai cũng sẵn sàng đón nhận thách thức khi hội nhập. Cho nên, không ít doanh nghiệp không nhận ra rằng, việc thành công trong kinh doanh là do một số quan hệ, chính sách nào đó mang lại. Với một nền kinh tế hội nhập, nếu không thay đổi cách nghĩ cũ, thì đó sẽ là một thảm họa.
Gia nhập WTO cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là đối với một bộ phận lớn các doanh nghiệp con cưng của Nhà nước, những doanh nghiệp hiện đang nắm giữ phần lớn thị phần, thao túng thị trường và vẫn nhận được những ưu ái từ bầu sữa Nhà nước sẽ phải đối mặt với những cuộc cạnh tranh sòng phẳng. Bầu sữa mẹ cũng sẽ không còn được rót một cách tùy tiện theo các mối quan hệ. Đối với bộ máy công quyền, WTO cũng sẽ đe dọa đến thói tùy tiện, quan liêu của công chức, vốn tự cho mình là phụ mẫu của thiên hạ. Thói quan liêu, sự không minh bạch sẽ từng bước bị gạt bỏ.
Hàng loạt tập đoàn đa quốc gia với những tên tuổi lớn đang tìm cơ hội đầu tư tại VN. Tất cả đang chờ giờ “G” khi VN chính thức là thành viên WTO...
Cửa đã mở.
Hiện nay, các tổ chức Hiệp hội ở nước ngoài hoạt động độc lập, trong khi ở ta, Nhà nước tham gia chỉ đạo Hiệp hội. ở nước ngoài, quyền sử dụng đất được xác định vĩnh viễn, còn ở ta có thời hạn. Các công trình công cộng như cầu đường, giao thông… lẽ ra nên giao cho tư nhân, thì ở ta Nhà nước làm hết. Một nền kinh tế thị trường cần phải giải có tính minh bạch cao. Lâu nay ta chưa phải là đã làm tốt vấn đề này. Nhà nước gánh vác nặng, tập trung quyền hành quá lớn, dễ tạo cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực phát sinh. Làm như vậy sân chơi làm sao rõ ràng và bình đẳng?
Gần đây, một lãnh đạo Bộ thương mại đã thừa nhận: “Sau khi gia nhập WTO, vai trò chỉ huy của hiệp hội là chính, còn Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đề ra chính sách chứ không thể can thiệp vào chuyện làm ăn của ngành”.
Các nhà nghiên cứu của Việt Nam thường nói đến 3 thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO là:
- Cả nước còn 67% lao động sống bằng nghề nông, nông nghiệp tạo ra khoảng 25% GDP và 1/3 kim ngạch xuất khẩu. Thách thức lớn nhất của nông nghiệp khi vào WTO là khả năng cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng nông sản với hàng ngoại nhập có chất lượng cao. Có thể thấy một điều, hiện nay giá hầu hết các nông sản VN đều đắt hơn hàng nước ngoài mà chất lượng lại không bảo đảm.
Trong khi đó, trước khi vào WTO, Trung Quốc đã chuẩn bị trước cho ngành sản xuất nông sản trong nước, đặc biệt là vấn đề tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, nông dân Trung Quốc dễ gia nhập thị trường thế giới hơn. Hiện Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn đối với nông sản, nhưng so với VN thì họ đã chuẩn bị rất kỹ.
- Khả năng cạnh tranh tổng thể của ngành công nghiệp nước ta còn ở thế yếu, việc bảo hộ sản xuất trong nước chỉ thực hiện được trong những hoàn cảnh nhất định với khả năng ngày càng hạn hẹp; ngành công nghiệp phải chấp nhận một cuộc chơi không cân sức, chỉ bằng những nỗ lực tối đa mới không bị biến thành thị trường tiêu thụ khi vào WTO.
- Tỷ trọng ngành dịch vụ còn nhỏ, chiếm khoảng 40% GDP (bình quân chung thế giới là 68%). Phần lớn doanh nghiệp dịch vụ khoa học, nghiên cứu thị trường, tiếp thị, kế toán, thiết kế mẫu mã… mới hình thành, khả năng cạnh tranh thấp đang có nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh ngay khi mở cửa.
Một vấn đề rất nhạy cảm và có ảnh hưởng rất lớn ít được đề cập đến, đó là những ảnh hưởng xã hội
Như chúng ta đã biết, tự do hoá thương mại toàn cầu có tác động mạnh đến thu nhập của người lao động và có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo. Khi vào WTO, tiền lương của lao động lành nghề sẽ tăng cùng với nguy cơ mất việc làm và mức độ cải thiện thấp của lao động không có kỹ năng.
Việc cắt giảm trợ cấp nông sản và dỡ bỏ hàng rào thuế quan ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân; mặt khác, do năng suất lao động và trình độ kỹ thuật có nhiều cách biệt nên khoảng cách thu nhập của lao động trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có xu hướng gia tăng. Thực tế này khiến chênh lệch giàu – nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn sẽ ngày càng lớn, nếu không xử lý tốt, có thể dẫn tới những quan hệ thiếu bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và tầng lớp nghèo ở nông thôn có thể là người chịu nhiều thua thiệt.
Khi gỡ bỏ những rào cản thương mại, cạnh tranh nội địa gia tăng mạnh, những doanh nghiệp năng lực cạnh tranh yếu, có nguy cơ giảm lợi nhuận, phá sản, thiếu việc làm hoặc thất nghiệp… dẫn tới những gánh nặng xã hội khó lường
Mặt khác, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trước khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, hệ thống này thiếu tính cụ thể và đồng bộ, thường giới hạn ở những chế định nguyên tắc nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và hiệu lực thực thi.
Với việc thực hiện cam kết toàn cầu, trong giai đoạn đầu, nguồn thu ngân sách giảm đáng kể nên Nhà nước phải xử lý thâm hụt cán cân thanh toán, giải quyết việc làm, nâng cao trình độ lao động và cải cách doanh nghiệp là những công việc đòi hỏi nguồn vốn lớn, trình độ công nghệ và năng lực con người rất cao.
3 - Một số lĩnh vực sẽ ra sao?
- Khi VN chính thức gia nhập WTO sẽ mở ra những hi vọng lớn cho ngành Dệt may tăng XK. Ngành này sẽ tránh đuợc mối lo về hạn ngạch XK, nhưng lại phải đối mặt với những khó khăn khác như, không còn trợ cấp của Chính phủ, chia sẻ thị trường nội địa cho các DN nước ngoài, hàng rào thuế quan bảo hộ DN ở thị trường nội địa cũng sẽ mất dần… Mặt khác, ngành Dệt may sẽ cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt là mảng phân phối (hiện nay ở VN, các cửa hàng nhỏ lẻ chiếm tới 70%).
- Những cam kết liên quan đã đặt công nghiệp ô tô Việt Nam trước nhiều thách thức. Với yêu cầu xoá bỏ nội địa hoá, dường như, lĩnh vực công nghiệp này không còn cơ hội để tiếp tục thực thi chương trình nội địa hoá đề ra.
- Khi vào WTO, do việc xuất hiện của những ngân hàng 100% vốn nước ngoài, cơ cấu thị phần tiền tệ thay đổi, việc hình thành chính sách tiền tệ quốc gia sẽ chịu sự tác động của những thay đổi kinh tế toàn cầu, biến động tỉ giá và hành vi của giới đầu tư nước ngoài sẽ làm tăng các hoạt động giao dịch vốn và gia tăng rủi ro trong các hệ thống ngân hàng.
- Theo Bộ KH&ĐT, tính đến hết quý I/2006, Việt Nam có 130 khu kinh tế mở, công nghiệp, chế xuất. Để tăng cường kêu gọi DN đầu tư, hơn 40 tỉnh đã “xé rào pháp luật”, đặt ra các chế độ ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế đất… thấp hơn cả mức thuế ưu đãi chung của Nhà nước cho các khu vực này. Gia nhập WTO, phía Mỹ cũng yêu cầu không những các tỉnh phải bỏ chính sách ưu đãi mà cả Chính phủ cũng xoá bỏ các dặc quyền về thuế cho DN trong 130 khu kinh tế trên.
4- Một số suy nghĩ
Để tận dụng lợi thế và giảm thiểu những bất lợi khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta cần phải làm những việc sau:
- Bãi bỏ ngay những loại lệ phí vô lý, nhằm giảm giá thành sản phẩm; đặc biệt bãi bỏ những ưu đãi đặc biệt đối với một thành phần kinh tế mà coi nhẹ các thành phần kinh tế khác; cơ cấu lại các doanh nghiệp quốc doanh; bãi bỏ độc quyền quốc doanh, áp dụng luật thương mại quốc tế.
- Cung cấp các thông tin thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Việc cung cấp đầy đủ thông tin không những là nghĩa vụ, mà còn là một trong những công việc chính của các cơ quan nhà nước. Tránh cách tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến từ trên xuống, nên ứng xử thế này thế nọ hay “phải lo từng cái kim sợi chỉ cho dân” của một thời không còn thích hợp nữa. Nhà nước nên có hướng dẫn, song phải thay đổi cả phương thức sao cho người dân để họ “tự xử lý”. Như, Trung Quốc đã có hơn 2 triệu cuốn sách giới thiệu các qui tắc của WTO đã được bán hết ngay trong vài tuần khi Trung Quốc gia nhập WTO.
- Nhà nước đã tích cực tiến hành cổ phần hoá, thắt chặt quản lý dự án, nhưng phải thay đổi cách thức tiến hành vì hiện nay mới chỉ cổ phần hoá được 9% tổng vốn.
5- Thay lời kết.
Một tổng kết mới đây của Bộ Thương mại cho biết, trong hội nhập với ASEAN, cắt giảm thuế quan theo AFTA, Việt Nam không được lợi.
Có người đã ví: sân chơi ASEAN như cái ao, còn WTO như đại dương. Việt Nam sẽ bơi ở đại dương ra sao khi mà chưa bơi thạo ở trong ao?.