Vào lúc 9h51 sáng nay (ngày 17/3, theo giờ Việt Nam), giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,8% lên mức 8,28 USD/giạ (27,2 kg). Đánh dấu phiên giao dịch đầu tiên trong vòng 5 phiên giao dịch gần đây ghi nhận giá đậu tương tăng lên. Trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 16/3), giá đậu tương đã giảm mạnh 3,2% xuống còn 8,21 USD/giạ, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 24/5/2019.
Giá ngô trên sàn CBOT cũng đã tăng nhẹ 0,3% lên mức 3,55-3/4 USD/giạ; trong đầu phiên giao dịch, giá ngô đã có lục giảm về mức 3,53-3/4 USD/giạ (25,4 kg) - mức thấp nhất kể từ ngày 12/9/2019. Trong khi đó, giá lúa mì được giữ không đổi tại mức 4,98 USD/giạ (27,2 kg). Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá lúa mì đã giảm mạnh về mức 4,91-3/4 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ ngày 11/10/2019.
Sự phục hồi của giá đậu tương trong phiên giao dịch hôm nay chủ yếu do xuất hiện lực mua vào bắt đáy khi giá đậu tương đã về mức thấp. Ông Phin Ziebell, nhà kinh tế học nông nghiệp của Ngân hàng quốc gia Australia, cũng cho biết sự phục hồi của giá đậu tương cũng như giá các loại nông sản còn nhờ vào các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực. Tuy nhiên, sự phục hồi của giá các loại nông sản vẫn bị kìm hãm bởi các tác động tiêu cực từ sự bùng phát của đại dịch virus Covid-19.
Giá các loại nông sản trên thị trường tài chính hiện đang chịu áp lực giảm giá lớn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng các loại nông sản. Giới phân tích kỳ vọng nhu cầu sử dụng thực phẩm có thể sẽ giúp tạo đáy cho thị trường hàng hoá nông sản trong bối cảnh giá nhiều loại nông sản liên tục sụt giảm.
Trong ngày 16/3, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố dữ liệu về lượng hàng nông sản được kiểm soát để xuất khẩu trong tuần trước, cụ thể 977.879 tấn ngô, 449.653 tấn lúa mì và 436.358 tấn đậu tương. Các con số này tương đương với khoảng dự báo của giới phân tích.