Giá phân bón thế giới tăng lên mức cao nhất 3 năm

Nguồn cung giảm, nhu cầu tiêu thụ ở khu vực Châu Á tăng mạnh, đặc biệt tại Ấn Độ và Trung Quốc; giá nguyên liệu đầu vào như dầu mỏ, khí tăng là những yếu tố tác động đến giá phân bón.

Tiếp đà tăng từ cuối quý 3, sang quý 4 và các tuần của tháng 11/2018, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng mạnh.

Cụ thể, so với tháng 10/2018 giá ure cao hơn 19 USD/tấn (tăng 4,89%) đạt 408 USD/tấn và hơn 78 USD/tấn (tăng 23,63%) so với cùng kỳ năm 2017 – mức cao nhất kể 3 năm trở lại đây; phân hỗn hợp 10-34-0 và UAN32 ghi nhận đều có giá cao hơn 6 USD/tấn (tăng 1,3%) đạt lần lượt 457 USD/tấn và 285 USD/tấn; phân DAP, MAP tăng 5 USD/tấn (0,9%) mỗi chủng loại, đạt tương ứng 506 USD/tấn; 528 USD/tấn; Kali tăng 2 USD/tấn (0,54%), đạt 366 USD/tấn so với tháng 10/2018.

 

Giá phân bón thế giới tăng lên mức cao nhất 3 năm - Ảnh 1.

(- Diễn biến giá phân bón trên thị trường thế giới-ĐVT: USD/tấn, Nguồn: dtnpf.com)

Giá tăng bởi sản xuất phân bón tại Trung Quốc (một trong những quốc gia có lượng phân bón lớn trên thế giới) giảm. Tính đến ngày 25/9, lượng ure ước đạt 137.000 tấn/ngày, cao hơn 10.000 tấn so với đầu tháng 9/2018, nhưng so với đầu năm thì vẫn thấp hơn khoảng 1 triệu tấn do Trung Quốc cắt giảm công suất tới 50% kể từ đầu năm 2017.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ thông báo mở thầu nhập khẩu amoniac và ure khiến giá phân bón trên thị trường thế giới duy trì đà hồi phục và tăng.

Cụ thể, ngày 23/10 Ấn Độ nhập khẩu hai lô hàng amoniac với khối lượng tổng cộng 7.500 tấn giao hàng vào hai đợt, đợt 1 từ ngày 30/11 đến 4/12 và đợt 2 là từ 15 -19/12. Công ty thương mại Trammo đã trúng thầu với mức giá là 385 USD/CFR. Trước đó, Trammo cũng đã nhận được đề nghị từ phía Công ty thương mại CIFC (Iran) với mức giá 370 USD/tấn, CIF tuy nhiên đến nay chưa có câu trả lời; ngày 27/9 Ấn Độ nhập khẩu ure hạt đục/trong, mở thầu ngày 5/10 và hồ sơ dự thầu có giá trị tới 12/10, giao hàng trước ngày 19/11.

Thông báo này đã làm cho cầu tăng mạnh bất chấp giá đạt mức cao tại một số khu vực, như Ai Cập và Mỹ giá ure hạt đục ngay lập tức tăng nhanh. Cụ thể, Ai Cập tăng 22 USD; Vịnh Mỹ cao hơn tới 10 USD so với Brazil và khả năng các nhà xuất khẩu chuyển hướng từ Brazil sang Vịnh Mỹ.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa chắc chắn liệu các nhà xuất khẩu Iran có thể cam kết thông qua đấu thầu tiếp theo do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực kể từ 5/11. Dự kiến, các nhà nhập khẩu Ấn Độ sẽ tạm thời rút khỏi thị trường Iran do không chắc chắn về phương thức thanh toán.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới dao động mạnh, có lúc tăng lên mức 85 USD/thùng khi Chính phủ Mỹ tuyên bố tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran. Theo các nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nguồn thu từ dầu mỏ rất quan trọng đối với Iran, song sẽ gây hậu quả lớn đối với nguồn cung dầu mỏ của thế giới, bởi Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Mới đây, trên tạp chí Soil Science Society of America đã công bố kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Wisconsin – Madison, thay vì sử dụng phân bón thông thường như trước kia thì nay dùng phân hữu cơ. Theo đó, nhóm nghiên cứu đưa hai loại phân vô cơ và hữu cơ bón cho các thửa ruộng theo từng cấp độ từ thấp, trung bình cho đến cao, sau đó thu thập, phân tích các mẫu đất ở nhiều độ sâu khác nhau.

Kết quả cho thấy, phân hữu cơ giữ độ pH cho đất còn phân vô cơ làm đất chua hơn; phân hữu cơ làm tăng lượng nitơ trong đất và dễ kiểm soát so với phân vô cơ. Ngoài ra, nhóm cũng chỉ ra phân hữu cơ tăng tính kết dính của đất, giúp đất chống xói mòn nước.

Đây cũng là thông tin tốt cho người nông dân, sẽ giảm được chi phí khi giá phân bón tăng cao, đồng thời hạn chế sử dụng phân bón vô cơ giúp bảo vệ nguồn đất cho cây trồng và môi trường.

Theo nguồn tin từ Agrus.com, Công ty dầu mỏ Petrobras (Brazil) sẽ ngừng sản xuất phân bón tại hai nhà máy Fafen – SE ở Sergipe và Faffen – BA ở Bahia, do kinh doanh tiếp tục thua lỗ sau nhiều tháng hoạt động trở lại. Đây là một trong những kế hoạch tái cơ cấu hoạt động của Công ty, trong đó bao gồm việc cắt giảm kinh doanh phân bón để tập trung vào thăm dò và khai thác dầu. Trước đó tháng 5/2018, Petrobras cũng đã đàm phán với Acron – một trong những nhà sản xuất phân bón lớn của Nga về sản xuất phân bón ở bang Barana và Mato Grosso do Sul, nhưng cuộc đàm phán chưa kết thúc. Dự kiến, việc đóng cửa hai nhà máy này sẽ diễn ra vào ngày 31 tháng 1 năm 2019.

Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FOA) cho biết, nhu cầu phân đạm trên thế giới hàng năm tăng 1,54%. Nếu như năm 2017 ước khoảng 113,6 triệu tấn, thì năm 2018 cao hơn khoảng 1,7 triệu tấn đạt 115,3 triệu tấn; năm 2019 ước 117,1 triệu tấn và 2020 ước 118,7 triệu tấn.

Như vậy, nhu cầu phân bón tiếp tục tăng trong khi nguồn cung thiếu hụt, các nguyên liệu đầu vào như giá dầu, khí biến dộng cũng sẽ tác động mạnh đến thị trường phân bón trong thời gian tới.