Tại Hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính của việc giá phân bón trong nước tăng nhanh (68%) là do giá dầu mỏ trên thế giới tăng, dẫn đến nguyên liệu nhập khẩu tăng theo.Thêm vào đó, giá vận tải đường biển cũng tăng gấp 3 lần so với trước. Hiện tại, giá nhập khẩu phân Kali là 195 USD/tấn, DAP là 290 USD/tấn. Hội thảo cũng nhất trí việc tăng giá đột biến đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương nông dân phải “cấy chay“ do giá phân tăng cao. Đến nay, tuy xảy ra “sốt giá” nhưng chưa có hiện tượng “sốt về lượng”, cơ bản vẫn đáp ứng đủ lượng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất vụ Đông Xuân.Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng khuyến cáo do giá phân tăng nhiều doanh nghiệp đã ngừng nhập khẩu phân bón, nên có nguy cơ dẫn đến thiếu nguồn cung trong thời gian tới.Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần tiếp tục nhập nguyên liệu cũng như khai thác hết công suất máy móc hiện có của các nhà máy, nhằm tăng mức sản xuất, góp phần bình ổn thị trường.
Theo đánh giá của các thành viên Hiệp hội Phân bón Việt Nam giá phân bón sẽ còn đứng ở mức cao trong thời gian tới. Các doanh nghiệp đã thống nhất và đưa ra kiến nghị với Nhà nước một số biện pháp như: Cần có chính sách cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, nâng công suất cũng như cho vay để mua dự trữ phân bón; thực hiện những giải pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, than, điện; giảm thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được xuống còn 0% như lưu huỳnh, kali…Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng giả và đầu cơ trục lợi./.