Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại miền Bắc Trung Quốc (giá CFR tại cảng Thanh Đảo) trong phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 18/6) giảm 0,9% xuống mức 218,90 USD/tấn. Thị trường quặng sắt hiện tập trung theo dõi liệu Chính phủ Trung Quốc có đẩy mạnh kiềm chế đà tăng của giá quặng sắt hay không.
Trong ngày 16/6, Chính phủ Trung Quốc đã cho biết sẽ xả bán lượng lớn đồng, nhôm và kẽm từ các kho dự trữ chiến lược quốc gia nhằm hạ nhiệt đà tăng giá kỷ lục của các kim loại công nghiệp trên thị trường. Đến ngày 18/6, Chính phủ Trung Quốc cho biết đã tiến hành điều tra nguyên nhân khiến giá than đá tăng cao trên thị trường nội địa nước này và sẽ trừng phạt nghiêm khắc các hành vi đầu cơ cũng như thao túng giá trên thị trường.
Hiện Trung Quốc đang thảo luận việc áp đặt mức giá trần đối với giá than đá trên thị trường trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng cao kỷ lục. Dự kiến, trung tâm khai thác mỏ Yulin tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) sẽ áp dụng cơ chế điều tiết giá bán than giữa các mỏ khai thác trong khu vực; mức giá này được điều chỉnh dựa trên giá than nhập khẩu tại cảng Tần Hoàng Thành, một trong những cảng nhập than chính của Trung Quốc.
Thị trường quặng sắt vẫn đang đánh giá liệu các chính sách kiềm chế đà tăng giá hàng hoá, nguyên liệu thô của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như nào đến nhu cầu sử dụng của các hãng sản xuất thép nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia có sản lượng thép thô lớn nhất và nhập khẩu quặng sắt nhiều nhất thế giới. Do đó, những thay đổi về hoạt động sản xuất thép tại đây sẽ có tác động lớn đến thị trường thép và quặng sắt toàn cầu.
Hãng môi giới chứng khoán SinoSteel Futures (Trung Quốc) cho biết các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường tại thành phố Đường Sơn, thủ phủ sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, vẫn chưa được nới lỏng trong ngắn hạn; thậm chí, chính quyền thành phố còn siết chặt hơn nữa, khiến cho nhu cầu sử dụng quặng sắt của các nhà máy sản xuất thép tại đây bị chững lại.
Hiện sản lượng thép thô của Trung Quốc vẫn đang có xu hướng tăng cao kỷ lục trong năm nay. Điều này có thể khiến Chính phủ Trung Quốc hành động quyết liệt hơn nhằm hạn chế hoạt động sản xuất của các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng của các loại quặng sắt có phẩm cấp thấp.
Ông Tomas Gutierrez, nhà phân tích tại hãng tin thị trường thép Kallanish Commodities, cho biết “Trung Quốc vừa muốn cắt giảm sản lượng thép, vừa muốn kiểm soát đà tăng của giá thép; vừa muốn hạn chế đầu tư mở rộng nhưng vẫn muốn đảm bảo việc làm cho người lao động ngành thép. Những thay đổi chính sách của Trung Quốc hiện nay nhằm đảm bảo cân bằng cho các mục tiêu trên và triển vọng cho giá quặng sắt sẽ giảm xuống”.