Trong đầu phiên giao dịch sáng nay (ngày 12/3, theo giờ Việt Nam), giá quặng sắt giao tháng 5/2020 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã giảm 2,3% xuống còn 646 NDT (92,63 USD)/tấn. Giá quặng sắt theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SICOM) cũng giảm mạnh 1,1%.
Giá quặng sắt chịu áp lực giảm do thị trường lo ngại triển vọng nhu cầu sử dụng quặng sắt trong tương lai sẽ giảm xuống trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa chính thức xác nhận dịch virus Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ của Trung Quốc như buộc các nhà máy phải ngưng hoạt động và cấm di chuyển đã dần giúp nước này kiểm soát được dịch virus Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia khác trên thế giới và ngày càng nhiều nơi áp dụng các biện pháp phong toả để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Trong ngày 11/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã yêu cầu ngưng mọi hoạt động vận chuyển từ khu vực Châu Âu, trừ nước Anh, đến Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày; lệnh cấm này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 13/3. Trước đó, vào ngày 10/3, Italy đã thực hiện lệnh phong toả toàn quốc, yêu cầu hơn 60 triệu người dân nước này ở nhà và hạn chế ra ngoài trong bối cảnh nước này trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.
Ông Robert Carnell, trưởng ban nghiên cứu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn ngân hàng ING nhận định với việc dịch virus Covid-19 được nâng lên thành đại dịch, nhiều quốc gia có thể sẽ đóng cửa biên giới hoặc thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Điều này có thể giúp ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh nhưng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động kinh tế, theo ông Rober Carnell.
Giới phân tích nhận định thị trường quặng sắt tại Trung Quốc vẫn đang có chiều hướng giá giảm dựa trên các phân tích về cung, cầu và tình hình kinh tế vĩ mô của nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng quặng sắt nhiều nhất thế giới. Trong năm 2019, sản lượng thép của Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng sản lượng thép toàn cầu.
Trong bối cảnh lượng tồn kho sản phẩm sắt thép tăng cao, nhu cầu sử dụng vẫn ở mức yếu do các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn được khôi phục, biên lợi nhuận của các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc đang ngày càng giảm. Điều này có thể buộc nhiều nhà máy phải hoạt động dưới công suất, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu sử dụng quặng sắt.
Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá thép xây dựng đã tăng 0,3%; giá thép cuộn cán nóng giảm 0,3% và giá thép không gỉ giảm 1,4%.