Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), quy mô đàn lợn của Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 275 triệu con tính đến cuối năm 2020, giảm gần 40% so với đầu năm 2018 – thời điểm dịch tả lợn bắt đầu bùng phát. Hoạt động chăn nuôi lợn trên phạm vi toàn cầu cũng được USDA dự báo giảm khoảng 10%. Dự báo sản lượng lợn ở Trung Quốc sẽ giảm 25%, Philippines giảm 16%, Việt Nam giảm 6%, tuy nhiên, sản lượng lợn cũng sẽ tăng ở một số khu vực sản xuất lớn như ở Hoa Kỳ dự báo tăng 4%, Brazil tăng 5%, theo USDA.
Tính từ đầu năm đến nay, giá thị lợn tại Trung Quốc đã liên tục tăng từ tháng 3/2019 và cao hơn khoảng 80%; tại một số địa phương, giá thịt lợn đã tăng gấp đôi. Vào giữa tháng 10/2019, giá bán lẻ thịt lợn ở Trung Quốc rơi vào khoảng 4,5 USD/kg, có nơi lên tới 8,45 USD/kg. Giá thịt lợn ở Trung Quốc trong tháng 9/2019 tăng 69,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Thịt lợn là thực phẩm quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Trung Quốc, nên việc giá thịt lợn tăng vọt trong 1 năm qua đã gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng tại nước này. Trước tình trạng giá thịt lợn tăng cao và khan hiếm nguồn cung, người tiêu dùng Trung Quốc đã phải hạn chế tiêu thụ thịt lợn và chuyển qua các nguồn thực phẩm thay thế. Thống kê của USDA cho thấy, lượng tiêu thụ thịt lớn tính theo đầu người tại Trung Quốc đã giảm 32% trong 2 năm trở lại đây.
Thịt lợn trở thành nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng nhanh trong các tháng gần đây bất chấp các biện pháp kiếm chề đà tăng giá thịt lợn của Chính phủ Trung Quốc như mở kho dự trữ, trợ giá cho người thu nhập thấp và gia tăng nhập khẩu. Lạm phát giá thực phẩm ở Trung Quốc trong tháng 9/2019 là 11,2%, so với mức tăng 10% của tháng 8/2019 và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái – chạm mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Việc giảm nguồn cung nội địa đã khiến Trung Quốc phải đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn, kéo giá thịt lợn tại một số quốc gia xuất khẩu lớn Hoa Kỳ tăng lên.
Tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2019, giá lợn hơi trên thị trường cả nước đã biến động mạnh. Trong giai đoạn từ tháng 3 – 6/2019 – thời điểm dịch tả lợn bùng phát mạnh đã khiến giá thịt lợn giảm khoảng 20% so với hồi đầu năm 2019. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nguồn cung kết hợp với nhu cầu tiêu dùng được ổn định trở lại và nhu cầu nhập khẩu lợn từ Trung Quốc đã đẩy giá thịt lợn dần tăng trở lại. Đến giữa tháng 10/2019, giá thịt lợn trung bình tại khu vực phía Bắc – Trung – Nam lần lượt đạt 62.000 đồng, 60.000 đồng và 59.000 đồng/kg lợn hơi – cao hơn khoảng 60% so với thời điểm tháng 6/2019.
Tại khu vực Châu Âu, dịch tả lợn Châu Phi cũng đã bùng phát ở nhiều nước như Bỉ, Hungary và Ba Lan khiến giá thịt lợn tai đây tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, kéo giá các sản phẩm từ thịt lợn cũng tăng theo. Một số người tiêu dùng Châu Âu đã bắt đầu than phiên về việc giá thịt lợn muối tăng và sự khan hiếm của một số sản phẩm từ thịt lợn khác. Chỉ số giá thực phẩm được theo dõi bởi Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đang hướng đến khoảng thời gian tăng cao nhất kể từ năm 2004 – thời điểm diễn ra dịch bò điên và cúm gà.
Các chuyên gia phân tích cảnh báo giá thịt lợn sẽ vẫn ở mức cao trong vòng ít nhất 3 tháng tới khi mà Tết Nguyên đán của Trung Quốc và một số quốc gia Châu Á khác diễn ra. Tết Nguyên đán thường là cao điểm tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn tại khu vực Châu Á.