Cụ thể, chỉ số giá lương thực toàn cầu FAO trong tháng 7/2021 đạt 123 điểm, giảm 1,5 điểm tương đương 1,2% so với hồi tháng 6/2021, xác lập tháng giảm giá thứ hai liên tiếp. Trước đó, chỉ số giá lương thực FAO trong tháng 6/2021 đã lần đầu tiên giảm sau 12 tháng tăng liên tục.
Tuy nhiên, FAO nhấn mạnh chỉ số giá lương thực toàn cầu tháng 7 vừa qua hiện vẫn cao hơn tới 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực toàn cầu giảm nhẹ trong tháng trước chủ yếu nhờ giá ngũ cốc, sản phẩm từ sữa và dầu thực vật suy giảm nhưng giá đường và giá thịt vẫn tiếp tục tăng lên.
Trong đó, chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 7/2021 đạt 125,5 điểm, giảm 3% so với hồi tháng 6 trước đó nhưng vẫn cao hơn đến 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá ngũ cốc giảm chủ yếu nhờ giá ngô trên thị trường quốc tế đã giảm 6% khi sản lượng ngô của Argentina và Hoa Kỳ được nhận định sẽ ở mức cao hơn so với các dự báo trước đây. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc có xu hướng huỷ bỏ các đơn hàng mua ngô thuộc niên vụ cũ 2020/2021 cũng giúp giá ngô quốc tế hạ nhiệt.
Tuy nhiên, giá ngô vẫn đang neo ở mức cao hơn so với thông thường và thị trường hiện vẫn lo ngại tình trạng thời tiết cực đoan tại Brazil ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng ngô trong năm nay và khiến lượng ngô xuất khẩu suy giảm, đẩy giá ngô trên thị trường quốc tế tăng lên. Tình trạng thời tiết xấu cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động canh tác lúa mì tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong khi đó, giá gạo trên thị trường quốc tế đã chạm đáy 2 năm trở lại đây khi thị trường vắng bóng người mua do chi phí vận tải ở mức cao kỷ lục cùng với đó là nguồn cung gạo niên vụ mới tăng lên.
Chỉ số giá dầu thực vật FAO trong tháng 7/2021 đạt 155,4 điểm, giảm 1,4% so với tháng 6/2021 và chạm mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu hướng dương suy yếu khi nhu cầu thu mua trên thị trường quốc tế suy yếu và dự báo nguồn cung trong niên vụ 2021/2022 sẽ tăng cao kỷ lục. Trong khi đó, giá dầu cọ đã bật tăng trở lại do thiếu hụt nguồn cung từ các nhà xuất khẩu chính như Malaysia.
Ngược lại, chỉ số giá thịt FAO trong tháng trước tăng nhẹ lên mức 110,3 điểm, cao hơn 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá thịt gia cầm có mức tăng mạnh nhất khi khu vực Đông Á tăng cường nhập khẩu và nguồn cung từ khu vực Châu Đại Dương suy giảm theo yếu tố mùa vụ.
Giá thịt lợn trên thị trường quốc tế lại diễn biến ngược lại bất chấp nguồn cung thịt từ Đức suy yếu do dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại một số khu vực chăn nuôi của nước này. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã giảm đáng kể khi nguồn cung nội địa nước này phục hồi mạnh trong nửa đầu năm nay.
Chỉ số giá đường FAO trong tháng 7/2021 đạt 109,6 điểm, tăng 1,7% so với tháng 6/2021 và xác lập tháng tăng điểm thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ hồi tháng 3/2017. Giá đường trên thị trường quốc tế hiện tăng mạnh chủ yếu do tình trạng thời tiết tiêu cực tại Brazil ảnh hưởng đến sản lượng đường nước này. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, việc giá dầu thô tăng cao trở lại có thể khiến Brazil tăng cường sử dụng mía đường để sản xuất ethanol thay vì sản xuất đường, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung đường trên toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng của giá đường hiện được kìm hãm phần nào khi sản lượng đường của Ấn Độ được dự báo sẽ ở mức tốt và việc đồng Real Brazil giảm giá mạnh so với đồng USD.