Giá tiêu hôm nay 29/7: Tăng nhẹ tại một số nơi, mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2025 hoàn toàn khả thi

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục tăng 500 đồng/kg tại khu vực Đông Nam Bộ. Một số chuyên gia ngành hàng nhận định mục tiêu xuất khẩu hồ tiêu đạt 2 tỷ USD vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi.

Giá tiêu hôm nay ngày 29/7/2023 tại thị trường trong nước

Giá tiêu hôm nay
Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 29/7/2023 tại thị trường trong nước

Giá tiêu hôm nay đồng loạt tiếp tục tăng 500 đồng/kg tại các vùng trồng tiêu trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ, trong khi đó giữ nguyên tại các địa phương còn lại so với hôm qua.

Theo đó, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên đang dao động trong khoảng 67.000 – 68.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai đạt 67.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông và Đắk Lắk cùng đạt 68.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại khu vực Đông Nam Bộ dao động trong khoảng từ 68.000 – 75.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 70.500 đồng/kg, tiếp tục giữ vị trí cao nhất cả nước.

Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai đạt 68.000 đồng/kg và tại Bình Phước đạt 69.500 đồng/kg.

Hướng đến mục tiêu xuất khẩu hồ tiêu đạt 2 tỷ USD vào năm 2025 

Ông Lê Việt Anh, Chánh văn phòng, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định, vụ mùa hồ tiêu tại Việt Nam năm 2023 tương đối khả quan, ước sản lượng thu hoạch đạt 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm ngoái. Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất khác như Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm so với năm 2022. Tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2023 ước đạt 526.000 tấn, so với mức 537.600 tấn của năm 2022.

Khi nhu cầu cao, nguồn cung khan hiếm thì giá tiêu được nhận định sẽ tăng lên. Nhiều năm qua, hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nước ta luôn đứng vị trí số 1 thế giới về sản lượng sản xuất và xuất khẩu tiêu. Đến năm 2025, ngành hồ tiêu và cây gia vị của Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD.

Theo dõi giá tiêu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định mục tiêu này hoàn toàn khả thi khi dư địa để phát triển và khai thác, xuất khẩu hồ tiêu vẫn còn rất lớn với những lợi thế tự nhiên cùng lợi thế thị trường; đặc biệt là khi một loạt hiệp định thương mại tự do đi vào thực thi, nhóm hàng cây gia vị Việt Nam sẽ có lợi thế so sánh khá cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu hồ tiêu của nước ta hiện nay là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon trong quá trình khai thác.

Do đó, ngành hàng hồ tiêu Việt Nam cần tập trung phát triển theo hướng canh tác bền vững, mô hình trồng xen canh, tập trung phát triển sản xuất hữu cơ và nâng cao quy trình chế biến sâu để thu được giá trị gia tăng cao hơn. Để vượt qua thách thức nêu trên, tạo môi trường bền vững cho xuất khẩu hồ tiêu, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, bao gồm: thông tin thị trường, quy định của nước nhập khẩu đến hỗ trợ về nguồn vốn và công nghệ chế biến.

Giá tiêu hôm nay ngày 29/7/2023 tại thị trường thế giới

Giá tiêu hôm nay
(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch ngày 28/7, giá tiêu đen Lampung (Indonesia), giảm % 0,51% (giảm 19 USD/tấn), xuống mức 3.714 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 vẫn duy trì ở mức 2.900 USD/tấn.

Giá tiêu trắng Muntok giảm 0,53% (giảm 34 USD/tấn), xuống mức 6.429 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA đạt 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.100 USD/tấn.

Tường Vy